Sáng 3-8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 và các vấn đề dư luận quan tâm. Đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM chủ trì tại điểm cầu Thành ủy. Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì tại điểm cầu Trung tâm Báo chí TPHCM.
Đề xuất Trung ương cung ứng đảm bảo 5 - 5,5 triệu liều trong tháng 8
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, TPHCM xác định vaccine là một trong những điều kiện quan trọng quyết định giúp TPHCM sớm đạt trạng thái bình thường mới. Do vậy, ngoài nguồn cung vaccine từ Trung ương, TPHCM cũng đề nghị Trung ương cho phép TPHCM chủ động tìm kiếm các nguồn vaccine, bổ trợ cùng với nguồn vaccine Trung ương điều phối.
Đến nay, UBND TPHCM đã làm việc, ký cả trăm ghi nhớ, cam kết về cung ứng vaccine. Hiện TPHCM nhận 4 loại vaccine. Các loại vaccine này đều được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành và Bộ Y tế phê duyệt, sử dụng ở Việt Nam. Có loại vaccine là phê duyệt có điều kiện trong yêu cầu phòng, chống dịch. Đến ngày 1-8, TPHCM đã nhận 2,5 triệu liều, trong đó có các loại: AstraZeneca, Moderna, Pfizer và Vero Cell của Sinopharm Bắc Kinh.
Đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ, Vero Cell trong đợt 500.000 liều mà Trung ương nhận từ quà tặng của Đại sứ quán Trung Quốc đã được phân phát về các địa phương. Tại TPHCM, với 2,5 triệu liều vaccine các loại, TPHCM đã tổ chức tiêm các đợt và đến ngày 1-8, đã tiêm trên 1,8 triệu liều. TPHCM tiêm theo nguyên tắc minh bạch, tự nguyện. Về chất lượng, đến giờ này, TPHCM đảm bảo an toàn với tiến độ ngày càng nhanh hơn, số lượng ngày càng nhiều hơn do TPHCM tăng năng lực tiêm.
Đối với 1 triệu liều vaccine Vero Cell của đơn vị tài trợ, hiện tại Bộ Y tế đang thẩm định chất lượng. “Nếu được phép lưu hành, thì TPHCM sẽ đưa vào tiêm như các loại vaccine khác và cũng dựa trên nguyên tắc minh bạch và tự nguyện”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Đồng chí Phan Văn Mãi cho biết thêm, thông tin về các loại vaccine đã được Bộ Y tế cung cấp rộng rãi và TPHCM cũng tiếp tục thông tin để người dân có đầy đủ thông tin về các loại vaccine. Để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất, TPHCM đang tổ chức lại việc tiêm vaccine, huy động thêm các nguồn lực, cố gắng đặt năng lực tiêm trung bình là 300.000 liều/ngày. Với năng lực tiêm như thế, nếu đảm bảo nguồn cung vaccine, thì TPHCM sẽ đạt tỷ lệ miễn dịch cộng đồng, tức là 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vaccine.
TPHCM đã sẵn sàng huy động các lực lượng công tư, phối hợp với các bệnh viện, doanh nghiệp. TPHCM cũng phân quyền về cho các quận, huyện chủ động hơn cho việc tổ chức tiêm. Cách thức triển khai cũng được thống nhất sao cho khoa học, chặt chẽ, an toàn và đạt tiến độ nhanh nhất. “Với năng lực này, TPHCM đang tiếp tục báo cáo Trung ương, đề nghị Trung ương đảm bảo nguồn cung vaccine trong tháng 8-2021, đảm bảo 5-5,5 triệu liều để sớm đạt miễn dịch cộng đồng”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Bên cạnh đó, TPHCM kiên trì làm việc với các đối tác trước đây đã cam kết tìm nguồn vaccine để tăng nguồn cung cấp vaccine. Trong tháng 7 và tháng 8-2021, nguồn cung vaccine rất eo hẹp. Nhưng từ quý 3-2021, nguồn cung có thể dồi dào hơn và TPHCM có thể tăng tiếp cận nguồn vaccine, tăng tổ chức tiêm vaccine cho người dân. TPHCM thực hiện mục tiêu tiêm chủng đạt miễn dịch cộng đồng trong thời gian sớm nhất là vào cuối tháng 8-2021 này.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi, trong thời gian này, nếu tất cả người dân về quê thì việc tổ chức, đón nhận của các tỉnh sẽ rất khó khăn. Trong thời gian ngắn, một lượng lớn người về quê sẽ gây áp lực, thậm chí là bất khả thi cho công tác tổ chức về, đặc biệt là việc tiếp nhận ở địa phương.
TPHCM có số lượng rất lớn người dân ở các tỉnh đang sinh sống, làm việc, học tập. Quy mô lên tới cả triệu người. Bởi hiện nay, các tỉnh thành đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng là “ai ở đâu, ở đó”, và nhiều tỉnh thành đang thực hiện triệt để giãn cách theo Chỉ thị 16. “Tôi đề nghị người dân bình tĩnh, yên tâm ở lại TPHCM”, đồng chí Phan Văn Mãi nhắn nhủ.
Đồng chí khẳng định, trong giai đoạn khó khăn này, TPHCM vẫn tập trung mọi nguồn lực, từ vận động xã hội, từ sự giúp đỡ của các địa phương trong cả nước, từ ngân sách và kể cả huy động các quỹ dự trữ của TPHCM để đảm bảo chăm lo cho người dân. Đồng chí nhấn mạnh: “Chúng tôi cam kết sẽ không để bà con thiếu đói”. Vấn đề còn lại là nhu cầu của người dân có ráp được với khả năng đáp ứng không, và đó là vấn đề của công tác tổ chức.
Xác định điều đó, TPHCM thành lập Trung tâm tiếp nhận và điều phối, hỗ trợ cấp thành phố, cấp quận huyện và đặc biệt là cấp phường, xã, thị trấn. TPHCM cũng phát huy hệ thống chính trị cơ sở, các đoàn thể, mạng lưới tình nguyện. Thành ủy TPHCM cũng đã có chỉ đạo đến từng chi bộ, từng đảng viên, đoàn thể ở các địa bàn, yêu cầu phải rà soát, nắm chắc đối tượng, đặc biệt là người dân có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, TPHCM xác định việc này không phải 1-2 tuần mà có thể 1 tháng, 2 tháng, hay nhiều hơn nữa. TPHCM sẽ huy động tất cả nguồn lực để hỗ trợ bà con. Đồng chí đề nghị người dân yên tâm, nếu có phát hiện trường hợp khó khăn nào thì thông tin tới địa phương để kịp thời hỗ trợ.
Về băn khoăn của người dân là TPHCM triển khai gói an sinh xã hội theo Nghị quyết 09 của HĐND TPHCM nhưng nhiều người không nhận được hỗ trợ. Đồng chí Phan Văn Mãi phân tích, ở đây có sự khác nhau về danh sách giữa diện hỗ trợ theo gói 886 tỷ đồng của TPHCM và theo gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Thời điểm hiện nay, TPHCM đề nghị xã, phường thị trấn rà soát, nắm chắc người lao động, sinh viên là những người có đời sống rất khó khăn nhưng không nằm trong diện hỗ trợ theo hai gói hỗ trợ của TPHCM và Chính phủ. “Tất cả người dân có hoàn cảnh khó khăn đều được thống kê và đều được hỗ trợ, chứ không phải chỉ hỗ trợ theo diện Nghị quyết 09”, đồng chí Phan Văn Mãi khẳng định.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, do số lượng người dân rất đông, có thể việc hỗ trợ không bao quát được hết nhưng tinh thần của TPHCM là chăm lo hết, không để ai bị đói ăn, rơi vào hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh tác động. Vì thế, đồng chí đề nghị người dân nếu gặp khó khăn, hoặc phát hiện người dân có hoàn cảnh khó khăn thì cứ chủ động liên lạc với địa phương hoặc thông tin tới TPHCM qua đường dây nóng. TPHCM sẽ ghi nhận và kịp thời chăm lo cho người dân.
Về điều trị bệnh nhân nặng và tử vong, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định, đây là vấn đề của TPHCM hiện nay. Khi TPHCM chuyển sang chiến lược điều trị, TPHCM đã khẩn trương chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực, thuốc men. TPHCM chia thành 5 tầng và đã tăng cường nhiều về cơ sở vật chất. Các bệnh viện quận đã tiến hành tách đôi, thậm chí tăng năng lực tiếp nhận, điều trị cấp cứu đến 100%. Tuy nhiên, từ đây cũng đặt ra yêu cầu khác là nhân lực và trang thiết bị. |