Phó Chủ tịch UBND TPHCM Huỳnh Cách Mạng khẳng định như trên tại chương trình Lắng nghe và trao đổi về chủ đề “Xử phạt vi phạm hành chính về môi trường ở nơi công cộng và khu dân cư - thực trạng và giải pháp”, do HĐND TPHCM phối hợp Đài Truyền hình TPHCM (HTV) tổ chức.
“Người đi, rác ở lại”
Tại chương trình, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT, thông tin hiện mỗi ngày TPHCM phát sinh khoảng 8.900 tấn rác thải sinh hoạt. Riêng khu vực công cộng phát sinh khoảng 2.300 tấn rác/ngày và hộ gia đình, cá nhân là những đối tượng chủ yếu có hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng của TP đã lập biên bản, xử phạt hơn 450 trường hợp vi phạm với số tiền phạt hơn 1,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn còn phổ biến.
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng nhận xét thời gian qua, TP đã ban hành nhiều văn bản triển khai, chỉ đạo, phân công thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc xử phạt vi phạm vẫn chưa thường xuyên, chưa kịp thời và quyết liệt, nghiêm minh.
Trong khi đó, ý thức, trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ người dân trong việc giữ vệ sinh nơi công cộng, cộng đồng dân cư còn thiếu; tình trạng vi phạm xả rác, phóng uế... gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị chưa được đẩy lùi.
“Nhiều sự kiện diễn ra nơi công cộng còn phổ biến tình trạng “người đi, rác ở lại”", bà Khánh nói.
Bà Triệu Lệ Khánh đề nghị TP mở cuộc vận động người dân trên địa bàn nâng cao nhận thức và hành vi bảo vệ môi trường; đặc biệt không xả rác, tiểu tiện nơi công cộng. Cùng đó là việc xây dựng hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ môi trường. Cách làm này không phát sinh thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí tổ chức thực hiện. Quan trọng hơn, nội dung hương ước, quy ước được cộng đồng dân cư tự thỏa thuận nên sẽ góp phần quan trọng trong việc nâng cao tính tự giác, tự nguyện chấp hành và phát huy vai trò tự quản của người dân từ cơ sở.
Trật tự đô thị, thanh tra xây dựng sẽ xử phạt
Góp ý tại chương trình, nhiều cử tri cũng đề nghị phải tăng cường xử phạt nghiêm khắc các trường hợp vi phạm. Bên cạnh hình phạt tiền thì thực hiện hình thức bổ sung như lao động công ích để tăng tính răn đe.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, các hành vi vi phạm về vệ sinh môi trường nơi công cộng hiện sẽ bị xử phạt theo Nghị định 155/2016. Thế nhưng, việc triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa nâng cao vai trò của cơ quan địa phương trong việc phát hiện, xử lý vi phạm nói riêng.
Vì vậy, bà Mỹ đề xuất giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng cho đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn. Nguồn tiền xử phạt vi phạm được dùng để hỗ trợ kinh phí, duy trì hoạt động của lực lượng này.
Các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng xảy ra nhanh, tức thời (như hành vi tiểu tiện, xả rác không đúng quy định…). Thế nhưng, lực lượng kiểm tra hiện đang thiếu, khó bắt quả tang vi phạm. Do đó, Sở TN-MT cũng đề xuất cơ chế “phạt nguội” thông qua thiết bị ghi hình. Cụ thể, Sở TN-MT đề xuất cho phép cơ quan chức năng địa phương được sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera an ninh, camera giao thông để lập biên bản vi phạm hành chính về vệ sinh nơi công cộng.
Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng hiện đa phần các địa phương đã có camera giám sát an ninh, trật tự, giao thông trên địa bàn. Việc tận dụng mạng lưới camera này và cho phép địa phương sử dụng hình ảnh trích xuất từ hệ thống camera làm chứng cứ xử phạt là phù hợp với thực tế hiện nay của TPHCM.
Cũng tại chương trình, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ mong muốn người dân TP tiếp tục đồng hành, chung tay xây dựng, bảo vệ môi trường sống xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt là không xả rác, tiểu tiện, đại tiện ở đường phố; không đổ rác, chất thải vào hố ga, hệ thống thoát nước công cộng, trên vỉa hè, lòng đường…
Ông Huỳnh Cách Mạng nhận xét quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực môi trường hiện nay chưa đầy đủ, chưa đồng bộ. Cùng đó, lực lượng thường trực thực hiện chức năng kiểm tra, xử phạt không đầy đủ, trong khi hành vi vi phạm diễn ra rất nhanh.
Vì vậy, UBND TP sẽ giao thẩm quyền kiểm tra, lập biên bản hành chính đối với các hành vi đối với các hành vi xả rác ra công cộng cho các đội quản lý trật tự đô thị và đội thanh tra xây dựng địa bàn.
Tùy tiện xả rác, tiểu bậy bị phạt bao nhiêu? Nghị định 155/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định mức phạt tiền cụ thể đối với hành vi gây mất vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể: Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng (gọi chung là nơi công cộng). Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại nơi công cộng. Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại nơi công cộng. Phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng đối với hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị. |