Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thuốc do gián đoạn nguồn cung ứng thuốc thành phẩm và nguyên liệu sản xuất thuốc do hệ quả của đại dịch Covid-19 và những bất ổn chính trị do xung đột giữa một số nước trên thế giới. Đảm bảo an ninh dược phẩm trở thành vấn đề ưu tiên hàng đầu trong lĩnh vực y tế, tập trung nhiều hơn vào hoạt động quản lý chuỗi cung ứng và nâng cao năng lực sản xuất dược phẩm trong nước.
"TPHCM có những tiềm năng nhất định trong việc phát triển công nghiệp dược, là trung tâm giao thương ở khu vực phía Nam, thuận lợi cho việc vận chuyển, cung ứng thuốc đến các khu vực khác, tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu, đào tạo, sản xuất, kinh doanh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu dược phẩm trên địa bàn thành phố luôn có sự tăng trưởng cao và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế dược của cả nước", lãnh đạo Sở Y tế TPHCM thông tin.
Việc UBND TPHCM ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp dược TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” là kết quả từ sự chỉ đạo sát sao của UBND TPHCM cũng như nỗ lực của ngành y tế và các sở, ban, ngành liên quan trong nhiều năm để hoàn thiện Đề án. Đề án được xem như là chương trình hành động có tính chiến lược để đáp ứng yêu cầu hội nhập về phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật; đồng thời thực hiện chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về nâng cao sức khỏe nhân dân và tăng cường quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực y, dược trên địa bàn thành phố.
Đề án “Phát triển công nghiệp dược TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với 2 mục tiêu tổng quát: chú trọng chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc và thiết bị y tế, đặc biệt ưu tiên sản xuất thiết bị y tế kỹ thuật cao, sản xuất vaccine, sinh phẩm, các thuốc mới, thuốc phát minh để đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh trong nước, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu, hướng tới xuất khẩu với lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá, hình thành và phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại TPHCM.
PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết, việc phát triển khu công nghiệp chuyên ngành y - dược là một chủ trương mang tính đột phá của thành phố. Khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ có các chức năng chính: Trung tâm nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo về lĩnh vực y dược; tập trung các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ thuộc phân khúc kỹ thuật cao; trung tâm giao dịch về các sản phẩm chuyên ngành y - dược và sản phẩm phụ trợ.
“Trong thời gian vừa qua, thành phố đã có các buổi làm việc với Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) và Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Chương trình 376 đồng thuận và đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án khu công nghiệp chuyên ngành y - dược thuộc các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư quy định tại Quyết định số 376/QĐ-TTg. Dự kiến khu công nghiệp chuyên ngành y - dược sẽ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và đưa vào hoạt động từ năm 2030 với các chính sách hỗ trợ đặc biệt từ Chính phủ và TPHCM để thúc đẩy, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian sớm nhất”, PGS-TS Tăng Chí Thượng thông tin.
Sở Y tế TPHCM cho biết, Đề án phát triển công nghiệp dược của thành phố đã quy hoạch khu công nghiệp chuyên ngành y - dược tại Khu Công nghiệp Lê Minh Xuân 2 với diện tích 338 ha (xã Lê Minh Xuân huyện Bình Chánh, TPHCM) phù hợp với định hướng của Chương trình 376.