Mở đầu buổi đối thoại, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) cho biết, năm học 2024-2025, bên cạnh những thuận lợi như tình hình kinh tế xã hội dần khôi phục và ổn định, tính đột phá trong các chương trình giáo dục của thành phố, toàn ngành vẫn đối mặt với nhiều khó khăn như hệ thống trường lớp, cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục phổ thông mới; tình hình nhân sự giảng dạy chưa đảm bảo theo yêu cầu…
Thực tế đó đòi hỏi ngành giáo dục cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho năm học mới.
Chia sẻ về mục tiêu, định hướng giáo dục trong năm học tới, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ, ngành giáo dục sẽ tiếp tục phát huy những thành quả đạt được trong năm học trước, đồng thời tập trung khắc phục những tồn tại hạn chế.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số trong toàn ngành, thí điểm học bạ số cấp tiểu học, thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá học sinh, hoàn tất lộ trình đổi mới theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đặc biệt, các đơn vị trường học chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành cho học sinh, đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực, năng khiếu của người học.
"Năm học 2024-2025, dự kiến toàn thành phố tăng thêm 24.097 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu về chỗ học, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới, đảm bảo 100% trẻ em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học", Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức tuyển dụng viên chức đợt 1 năm 2024 và phân cấp tuyển dụng cho 29 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Riêng TP Thủ Đức và 21 quận huyện, căn cứ nhu cầu tuyển dụng thực tế của các đơn vị sự nghiệp, địa phương có kế hoạch tổ chức tuyển dụng giáo viên, nhân viên nhằm bổ sung, ổn định nhân sự cho năm học mới.
Xung quanh việc dư luận lo lắng căn tin, bãi giữ xe trong trường học có ngừng hoạt động, bà Đào Thị My Thư, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp thông tin, theo chỉ đạo mới nhất của UBND TPHCM, trường học vẫn tổ chức căn tin, bãi giữ xe để phục vụ hoạt động của đơn vị.
Mới đây, UBND TPHCM đã chấp thuận chủ trương cho quận Gò Vấp xây dựng Đề án thí điểm ủy quyền cho UBND quận phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Cuối tháng 7-2024, UBND TPHCM đã thành lập Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm ủy quyền của quận Gò Vấp. Việc triển khai thí điểm được kỳ vọng giúp các địa phương chủ động hơn trong công tác quản lý, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các trường học.
Riêng đối với việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, theo Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đẩy mạnh định hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Do đó, người học được tạo mọi điều kiện thuận lợi để trải nghiệm, học thông qua thực hành, hiểu rõ, nhớ lâu kiến thức, biết ứng dụng vào thực tiễn.
Năm học 2024-2025, chương trình hoàn tất lộ trình triển khai ở tất cả khối lớp, bậc học.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM Khóa X đã họp và thông qua Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND (ngày 16-7-2024) về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TPHCM từ năm học 2024–2025. Theo đó, Nghị quyết mới điều chỉnh danh mục từ 26 khoản thu của năm học trước còn 9 khoản thu trong năm học này để phù hợp với các quy định hiện hành.
Hiện nay, Sở GD-ĐT đang phối hợp Sở Tài chính xây dựng nội dung hướng dẫn các khoản thu để các cơ sở giáo dục thực hiện thống nhất trong năm học 2024-2025, đồng thời cha mẹ học sinh có cơ sở giám sát việc thực hiện của cơ sở giáo dục, kịp thời phát hiện và chấn chỉnh các khoản thu không đúng quy định.