Mong mỏi lương tăng nhưng ổn định được giá cả thị trường
Cử tri Lê Tô Phương Uyên (phường 2, quận 4) đề cập đến Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua. Theo cử tri Phương Uyên, khi áp dụng Luật BHXH sửa đổi thì cần xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc. Bởi lẽ thời gian qua nhiều lao động khi đến tuổi nghỉ hưu không nhận được hưởng trợ cấp BHXH vì doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng và tuyên bố phá sản. Điều này gây hoang mang cho người lao động và làm ảnh hưởng xấu đến xã hội.
Cử tri đề nghị, khi Luật có hiệu lực, Quốc hội có các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp không thực hiện nghiêm việc đóng BHXH cho người lao động.
Cử tri 3 địa phương cũng nêu nhiều ý kiến về việc tăng lương cơ sở từ 1-7 kéo theo giá cả thị trường cũng tăng, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Cử tri mong mỏi việc tăng lương đúng người, đúng việc, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, cử tri Dương Thành Long (quận 7) băn khoăn, mức lương cơ sở tăng là niềm vui đối với cán bộ, công chức song kèm theo đó là giá cả tăng theo. Cử tri phân tích, qua quan sát, bao giờ cũng có 2 đợt tăng giá thị trường vào dịp tết và sau khi tăng lương. Đây là câu chuyện cũ nhưng luôn mới, do đó cần có giải pháp để ổn định giá thị trường, tránh tình trạng lương tăng 1 mà giá tăng 2.
Cử tri Lê Quốc Hùng (huyện Nhà Bè) cũng băn khoăn giá thực phẩm đã và đang âm thầm tăng theo, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trong khi đó, thuế thu nhập cá nhân và mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc lại không được điều chỉnh. “Mức giảm trừ gia cảnh hiện nay quá lạc hậu. Ở TPHCM chi phí sinh hoạt, học tập, chăm sóc sức khoẻ cho một đứa trẻ mà chỉ tính giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/tháng/người là không phù hợp”, cử tri Lê Quốc Hùng phân tích và kiến nghị Quốc hội điều chỉnh chế độ người phụ thuộc cho hợp lý hơn.
Cử tri Phạm Thanh (phường 15, quận 4) đề cập đến thực trạng lừa đảo qua điện thoại di động. Trước đây TPHCM sử dụng app tiếp nhận danh sách các số điện thoại mà các đơn vị gửi lên có chứng minh bằng hình ảnh các số điện thoại dán trên cột điện, cột đèn gây mất thẩm mỹ đô thị thì khóa số đó. Đây là việc làm rất hay nên trong thời gian dài có nhiều chuyển biến tại TPHCM.
Tuy nhiên, hiện nay chính quyền có nhiều app hỗ trợ ghi nhận các phản ánh của người dân nhưng không có nội dung về xử lý số điện thoại di động dùng để giả mạo, lừa đảo. Cử tri đề xuất các cơ quan chuyên môn của thành phố xem xét việc thành lập 1 trang web mới hoặc bổ sung nội dung trên vào app 1022 của TPHCM nhằm thực hiện việc tiếp nhận nội dung phản ánh của người dân có liên quan đến số điện thoại di động dùng để giả mạo, lừa đảo.
Sẽ trả lương đúng người, đúng việc
Trao đổi lại với cử tri, ĐB Phan Văn Mãi đánh giá cao ý kiến của cử tri về việc tăng lương phải đảm bảo đúng người, đúng việc. Theo ĐB, thực hiện cải cách tiền lương phải cải cách được bộ máy tinh gọn, năng suất, hiệu lực, hiệu quả, trả lương theo vị trí việc làm. Thực hiện mục tiêu đó, thành phố đã xây dựng đề án vị trí việc làm và tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới trả lương theo vị trí việc làm.
TPHCM cũng sẽ nghiên cứu hình thức trả lương phù hợp để đảm bảo không tăng quỹ lương nhưng trả lương đúng, kích thích sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ, công chức, nâng cao được năng suất lao động. Từ đó hướng tới triển khai khoán quỹ lương, khoán công việc.
ĐB Phan Văn Mãi cũng nhìn nhận có việc giá tăng theo lương. Về nội dung này, Quốc hội đã lưu ý, Chính phủ đã có chỉ đạo. Riêng TPHCM một mặt tăng cường quản lý giá nhưng cũng đồng thời triển khai các chương trình bình ổn thị trường.
Về các ý kiến cụ thể của cử tri như tình trạng ngập nước, ùn tắc giao thông, một số công trình chậm triển khai, Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ: “Trong điều hành, các đồng chí Thường trực Ủy ban và cá nhân tôi đều rất day dứt về chuyện này”.
Đồng chí khẳng định từ nay đến cuối năm 2025, thành phố sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết một số dự án chống ngập trên địa bàn, trong đó có dự án giải quyết ngập do triều cường khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1).
ĐB Phan Văn Mãi thông tin thêm, bên cạnh những công trình giao thông trọng điểm, thành phố cũng sẽ xác định thêm các nút giao thông và có giải pháp khắc phục, chẳng hạn như xây dựng cầu vượt hoặc điều chỉnh giao thông; đồng thời triển khai đồng bộ các công trình chỉnh trang hạ tầng đô thị.
Liên quan đến chính quyền số, giao tiếp chính quyền, quản lý các số điện thoại để không gây phiền hà cho người dân, ĐB Phan Văn Mãi nhận xét đây là vấn đề thành phố đã nói nhiều song càng ngày càng diễn biến phức tạp.
Theo ĐB, trong quản lý Nhà nước, cần giao tiếp với các nhà mạng để tăng cường các biện pháp. Cùng với đó, tăng cường các công cụ để giao tiếp trực tiếp với người dân. Thành phố hiện có cổng 1022 và hiện đang giao Sở TT-TT TPHCM và Trung tâm Chuyển đổi số TPHCM xây dựng app công dân. Đây sẽ là kênh giao tiếp giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp. Trên cơ sở dữ liệu dân cư, thông qua app này tích hợp các tiện ích để người dân có nền tảng để giao tiếp với chính quyền và hướng tới giải quyết các thủ tục hành chính trên nền tảng số.