Ông Trần Ngọc Huy, Phó trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM), lưu ý, trường học cần triển khai chương trình buổi 2 trên tinh thần tự nguyện đăng ký của học sinh, không đổ đồng, ép buộc học sinh tham gia tiết học bổ sung kiến thức của môn học mà các em đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần đạt của chương trình.
Về việc chấp hành quy định mới về dạy thêm, học thêm, Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TPHCM) Tống Phước Lộc cho biết, đang tham mưu Ban Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Thông tư 29 của Bộ GD-ĐT về dạy thêm, học thêm.
Trong đó, dạy thêm trong nhà trường hiện nay đang “vướng” chủ yếu ở hoạt động ôn tập cho học sinh cuối cấp (lớp 9 và 12). Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, hoạt động này phải tổ chức trên cơ sở tự nguyện đăng ký của người học và không được thu tiền học sinh.
Câu hỏi được đặt ra là nếu không thu tiền người học, trường học sẽ sử dụng nguồn thu nào để hỗ trợ giáo viên tham gia dạy ôn tập cho học sinh?
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc cho rằng, việc cán bộ quản lý, giáo viên có tâm tư về quy định mới về dạy thêm, học thêm là khó tránh khỏi, tuy nhiên cần hiểu để thực hiện đúng quy định. Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần tuyên truyền, lồng ghép các chỉ đạo về dạy thêm, học thêm để các cơ sở giáo dục triển khai theo đúng tinh thần của Thông tư 29, đảm bảo không xảy ra tình trạng dạy thêm trái quy định.
Liên quan việc chi trả thu nhập tăng thêm cho giáo viên trong thời điểm cận Tết Nguyên đán năm 2025, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM) Trần Khắc Huy thông tin, hiện nay có dư luận về chênh lệch mức chi thu nhập tăng thêm giữa các cơ sở giáo dục.
"Trường học cần truyền thông đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, không để xảy ra trường hợp giáo viên do chưa hiểu hoặc hiểu sai quy định, cách thức chi dẫn đến tâm lý bất bình, tạo dư luận không hay trong trường học. Việc chi trả thu nhập tăng thêm phải đảm bảo chi trước thời điểm học sinh và giáo viên nghỉ Tết Nguyên đán", ông Trần Khắc Huy đề nghị.