Chiều 15-5, đoàn công tác liên ngành của TPHCM do bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương, làm trưởng đoàn đã làm việc với các sở, ngành của tỉnh Đắk Nông để triển khai các giải pháp thực hiện sơ chế tại nguồn đối với các mặt hàng nông sản nói chung, hàng rau củ quả nói riêng cung ứng cho thị trường TPHCM.
Tại đây, các bên đã phân tích, đánh giá và so sánh chi phí và lợi ích của việc sơ chế hàng hóa tại nguồn để tìm tiếng nói chung trong việc sản xuất và phân phối, từ đó đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các đơn vị tham gia nhằm thực hiện chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quản lý rác thải trên địa bàn TPHCM, đồng thời thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Các bên đều thống nhất, việc thực hiện sơ chế, đóng gói hàng nông sản tại nguồn là vấn đề phải làm vì xuất phát từ nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người tiêu dùng. Trong tương lai, tỉnh Đắk Nông sẽ tìm mọi giải pháp để thực hiện sơ chế, đóng gói tại nguồn nhằm cung ứng cho thị trường TP.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Sở Công thương TPHCM, sản lượng hàng nhập chợ bình quân hàng đêm hiện nay tại 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm của TPHCM là Thủ Đức, Bình Điền và Hóc Môn ước đạt hơn 9.200 tấn/đêm. Tổng lượng rác bình quân hàng đêm tại 3 chợ ước đạt 240 tấn/ngày, trong đó ước tính lượng rác từ các hoạt động sơ chế nông sản chiếm gần 90%. Để xử lý hết toàn bộ lượng rác thải này, ban quản lý 3 chợ phải tốn chi phí bình quân khoảng 8,5 tỷ đồng/năm cho công tác thu gom, vệ sinh, tiêu độc khử trùng, vận chuyển và xử lý rác tại chợ.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, trong năm 2018, TPHCM đã triển khai chủ trương sơ chế rau củ quả đến thương nhân ở 3 chợ đầu mối của TP, đồng thời làm việc với 2 tỉnh có nguồn cung lớn cho TPHCM là Lâm Đồng và Bến Tre. Nhờ thế, đến nay không còn thực hiện sơ chế trong nhà lồng chợ như trước đây, đồng thời lượng rác thải hữu cơ phát sinh từ hoạt động sơ chế mặt hàng rau củ quả giảm 10% - 60%. Dự kiến cuối quý 3-2019, TPHCM sẽ không cho hàng nông sản chưa qua sơ chế nhập chợ.