Theo ông Lê Hoài Nam, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2024-2025, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp có nhiều thay đổi so với năm học 2023-2024 nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về chỗ học cho người dân.
Cụ thể, quy trình tuyển sinh được thực hiện hoàn toàn theo hình thức trực tuyến, áp dụng hệ thống thông tin địa lý (còn gọi là bản đồ GIS) để phân bổ chỗ học gần nhà cho học sinh.
Đối với tuyển sinh lớp 1, toàn thành phố tăng 5.000 học sinh so với năm học trước. Đối với tuyển sinh lớp 6, toàn thành phố giảm 24.000 học sinh so với năm học trước.
"Năm nay, tuyển sinh lớp 6 theo hình thức khảo sát năng lực học sinh, dự kiến mở rộng thêm ở một số trường có nhu cầu đăng ký tuyển sinh đầu cấp cao hơn nhiều lần chỉ tiêu tuyển sinh trên địa bàn quận 7, huyện Hóc Môn và TP Thủ Đức. Các địa phương tùy vào tình hình thực tế xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp", Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM thông tin.
Riêng đối với tuyển sinh vào lớp 10, năm học 2024-2025, toàn thành phố tăng thêm 5.000 học sinh. Đây là năm đầu tiên TPHCM dừng tuyển sinh lớp 10 không chuyên tại 2 trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa. Để tăng cơ hội trúng tuyển cho học sinh, tổng số nguyện vọng tuyển sinh lớp 10 chuyên năm nay tăng từ 2 lên 3 nguyện vọng.
Như vậy, mỗi học sinh sẽ đăng ký tối đa 6 nguyện vọng gồm 3 nguyện vọng lớp 10 thường và 3 nguyện vọng lớp 10 chuyên (hoặc tích hợp).
Sở GD-ĐT TPHCM xây dựng cổng thông tin cung cấp toàn bộ thông tin tuyển sinh của các trường THPT công lập trên toàn thành phố, bao gồm thông tin về chỉ tiêu tuyển sinh, điểm chuẩn 3 năm gần nhất, tổ hợp môn tự chọn sẽ triển khai trong năm học 2024-2025.
Ngoài ra, nhằm hạn chế tình trạng học sinh có điểm thi cao nhưng rớt cả 3 nguyện vọng lớp 10 công lập, trong khi đó nhiều trường THPT công lập tuyển sinh không đủ chỉ tiêu, năm nay tuyển sinh lớp 10 được tổ chức theo 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 2 xét tuyển bổ sung đối với các trường chưa tuyển đủ học sinh.
Riêng 45 học sinh đang học cấp THCS tại Trường THCS-THPT Thạnh An (huyện Cần Giờ) sẽ không tham gia thi tuyển mà được xét tuyển lên cấp THPT cùng trường.
Đánh giá về kế hoạch tuyển sinh đầu cấp do Sở GD-ĐT TPHCM tham mưu UBND TPHCM ban hành, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội (HĐND TPHCM) cho biết: "Hàng năm, TPHCM là địa phương có số lượng học sinh tham gia tuyển sinh đầu cấp dẫn đầu cả nước. Để đảm bảo quyền lợi cho người học, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị chu đáo các phương án dự phòng, có dự báo số lượng và tình hình tuyển sinh thực tế ở từng khu vực, đáp ứng tối đa nhu cầu về chỗ học cho học sinh".
Liên quan đến việc ban hành Nghị quyết thay thế Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập, ông Cao Thanh Bình đề nghị các sở, ngành liên quan tập trung rà soát, đảm bảo cơ sở pháp lý chặt chẽ để ban hành nghị quyết mới phù hợp hơn với thực tiễn.
"Trên cơ sở lắng nghe ý kiến phản ảnh từ cha mẹ học sinh, các trường học, phòng GD-ĐT, nghị quyết mới sẽ được xây dựng trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các trường triển khai hoạt động, không gây xáo trộn công tác tổ chức và ảnh hưởng quyền lợi học sinh", Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội bày tỏ.
Hiện nay, theo đề xuất của các sở, ngành, ban soạn thảo nghiên cứu các phương án như chia nhỏ khu vực áp dụng các mức thu để phù hợp hơn tình hình thực tế (năm học 2023-2024, thành phố áp dụng 2 mức thu ở 2 khu vực gồm TP Thủ Đức, các quận nội thành và 5 huyện ngoại thành), quy định cụ thể mức thu tối đa đối với bữa ăn trưa và suất ăn xế cho học sinh…
Sau khi thống nhất ý kiến các sở ngành, dự thảo nghị quyết mới sẽ được trình HĐND TPHCM xem xét thông qua tại kỳ họp vào tháng 7-2024 để bắt đầu triển khai từ đầu năm học 2024-2025.