Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM chủ trì phiên họp.
TPHCM phục hồi khá nhanh và toàn diện
Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên bày tỏ, qua thống kê từ 2 tháng cho thấy, kinh tế TPHCM như một người sau bạo bệnh đang phục hồi khá nhanh, toàn diện. Thành phố tiếp tục kiểm soát dịch Covid-19, tổ chức chặt chẽ cho học sinh trở lại trường học. Đặc biệt, TPHCM chuẩn bị ráo riết triển khai các dự án lớn trên địa bàn TPHCM và mang tính chất liên vùng như Vành đai 3, Vành đai 4…; xây dựng đề án Phát triển TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế… Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, nếu như năm 2021 phần lớn TPHCM ứng phó, xoay sở thì bước sang năm 2022 đã kiến tạo, chủ động đi vào trọng tâm các hoạt động phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá trước mắt còn rất nhiều thử thách và dịch bệnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu không được chủ quan lơ là mà phải tiếp tục các giải pháp hạn chế lây nhiễm, hạn chế ca trở nặng và giảm xuống thấp nhất trường hợp tử vong.
Đề cập đến thị trường lao động mới hồi phục trở lại, đồng chí Nguyễn Văn Nên cho rằng, để thị trường phát triển bền vững, cần phải gắn với chiến lược an sinh, xã hội, nhà ở mà thành phố đang làm. Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, đây là khâu trọng tâm cần quan tâm và cần phải có kết quả rõ nét hơn trong tháng 3-2022.
10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 3-2022
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nêu 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong tháng 3-2022. Trong đó, TPHCM tiếp tục chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhất là ở khu vực trường học, người có nguy cơ cao; tập trung giải pháp thực hiện chủ đề năm 2022, trong đó tập trung cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp.
Dự kiến ngày 15-3, ngành du lịch mở cửa trở lại, đồng chí Phan Văn Mãi yêu cầu ngành du lịch thành phố tập trung triển khai kế hoạch phát triển du lịch, nỗ lực lấy lại vị trí dẫn đầu cả nước.
Trong hỗ trợ doanh nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở Công thương và các sở, ngành liên quan tổ chức gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để xác định các vướng mắc, giúp doanh nghiệp thuận lợi tiếp cận chính sách tài khóa tiền tệ, các chính sách hỗ trợ của Trung ương. Cùng với đó, TPHCM hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, “trong nguy tìm ra cơ”, hỗ trợ doanh nghiệp tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình quản trị để nâng cao hiệu quả hoạt động. Thành phố cũng chuẩn bị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp có đóng góp ngân sách lớn; gặp gỡ các nhà đầu tư tiềm năng mời gọi đồng hành với TPHCM; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi, Hóc Môn…
Đối thoại với doanh nghiệp đấu giá đất Thủ Thiêm
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng ước đạt hơn 89.000 tỷ đồng, cao hơn 0,4% so với tháng trước và tăng 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, tổng mức bán lẻ giảm 3% so với tháng trước, ngành lưu trú và ăn uống tăng 18% so với tháng trước. TPHCM tái khởi động ngành du lịch với thông điệp: “Du lịch an toàn”, “An toàn trong từng trải nghiệm”, “Người Thành phố đi du lịch Thành phố” trên các kênh thông tin của Sở Du lịch và các đối tác trong và ngoài nước, các kênh truyền thông của doanh nghiệp, các phương tiện truyền thông. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 2 ước giảm 2,4% so với tháng trước nhưng tính chung 2 tháng đầu năm tăng 2,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 6%).
Giám đốc Sở Tài chính Phạm Thị Hồng Hà cho biết, từ đầu năm đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện là 88.044 tỷ đồng (đạt gần 23% dự toán năm và tăng gần 15% so với cùng kỳ). Số thu trung bình mỗi ngày làm việc trong tháng 2-2022 là hơn 2.500 tỷ đồng, cao hơn 193% so với mức trung bình phải thu mỗi ngày làm việc của năm 2022.
Liên quan đến vụ đấu giá đất tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức, TPHCM), Cục trưởng Cục Thuế TPHCM Lê Duy Minh cho biết, đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa có doanh nghiệp trúng đấu giá nào tiến hành nộp tiền theo quy định. Ngoài 2 doanh nghiệp bỏ cọc, 2 doanh nghiệp còn lại (là Công ty CP Dream Republic trúng đấu giá lô 3-5 và Công ty CP Sheen Mega trúng đấu giá lô 3-8, PV), trúng đấu giá với giá trị tiền gần 8.000 tỷ đồng, nhưng vẫn chưa nộp tiền ngoài phần đặt cọc. Cục trưởng Cục Thuế TPHCM đề nghị TPHCM gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp, tìm giải pháp đảm bảo việc thực thi kết quả đấu giá. Hiện nay, Cục Thuế TPHCM tiếp tục phối hợp đôn đốc, nhắc nhở các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm; nếu sau 90 ngày kể từ ngày ra thông báo nộp tiền (tính từ ngày 6-1-2022), Cục Thuế TPHCM sẽ tiến hành cưỡng chế và cao nhất là thu hồi, không thực hiện dự án.
Tiếp thu chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, UBND TPHCM sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp tham gia đấu giá. UBND TPHCM cũng chỉ đạo các cơ quan rà soát lại, có kế hoạch sắp tới cho hoạt động đấu giá. Trong quá trình chuẩn bị, trước mắt hình thành quan điểm đó là tính toán lại để việc đấu giá, hoặc là đấu thầu dự án, làm sao phù hợp với công năng của khu. Qua đó, không chỉ thu tiền qua đấu giá, đấu thầu, mà còn thu được số tiền đầu tư vào phát triển công trình và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội. “Không phải mục tiêu kép nữa mà là đa mục tiêu, trên tinh thần lợi ích tổng thể từ việc đấu giá, đấu thầu”, đồng chí Phan Văn Mãi chia sẻ.
Sức ép từ giá xăng dầu tăng
|