TPHCM: Rà soát để điều chỉnh Bộ tiêu chí an toàn trường học

Sáng 11-3, tại buổi họp giao ban công tác phòng chống dịch Covid-19 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức, đại diện nhiều phòng GD-ĐT quận, huyện cho biết, tỷ lệ phụ huynh đồng thuận cho con tiêm vaccine khá cao ở bậc tiểu học và lớp 6, tuy nhiên bậc mầm non còn thấp do phụ huynh lo ngại về phản ứng phụ sau tiêm.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, Phó phòng GD-ĐT quận 3 thông tin, tỷ lệ phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine Covid-19 đạt rất cao ở bậc tiểu học (94%) và lớp 6 (77,5%), tuy nhiên bậc mầm non chỉ có hơn 50% phụ huynh đồng ý.

Tương tự, tại quận 10, ông Nguyễn Thành Văn, Trưởng phòng GD-ĐT cho biết, hiện nay địa phương đã lập danh sách những học sinh tham gia tiêm vaccine Covid-19 trong độ tuổi từ 5-11 tuổi. Dự kiến trong tuần sau, phòng GD-ĐT sẽ báo cáo Ban chỉ đạo phòng chống dịch danh sách các điểm tiêm. Riêng về nhóm đối tượng trẻ em 5 tuổi, các trường mầm non vẫn tiếp tục tuyên truyền, vận động phụ huynh đồng ý cho con tiêm vaccine.

Ở nhóm tuổi lớn hơn, thầy Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6) nêu thực tế, hiện nay đang có tình trạng học sinh lơ là trong việc thực hiện quy định 5K như không sử dụng khẩu trang, giữ khoảng cách theo đúng quy định của ngành y tế. Nhiều trường hợp học sinh vẫn tổ chức sinh nhật, ăn uống bên ngoài khiến nguy cơ lây lan dịch bệnh tăng cao trong trường học.

Với những trường hợp này, nhà trường đã yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thường xuyên trao đổi để tăng cường phối hợp với phụ huynh trong việc nhắc nhở học sinh, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

TPHCM: Rà soát để điều chỉnh Bộ tiêu chí an toàn trường học ảnh 1 Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) tham gia tiêm vaccine Covid-19 trong đợt tiêm đầu tháng 10-2021 

Theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 200 ca học sinh phát hiện là F0 tại trường. Số lượng ca bệnh chưa có dấu hiệu giảm mà vẫn diễn biến phức tạp, đòi hỏi các nhà trường phải linh hoạt, chủ động trong việc chuyển đổi hình thức học tập.

Đặc biệt, đối với các công tác bán trú, nội trú và căng tin – các hoạt động đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của học sinh tại trường, hỗ trợ công tác giảng dạy và đảm bảo thời lượng chương trình, đáp ứng yêu cầu tận dụng tối đa thời gian dạy học trực tiếp cho học sinh, tới đây hai Sở GD-ĐT và Sở Y tế sẽ phối hợp kiểm tra, rà soát Bộ tiêu chí an toàn trong trường học. Từ đó, liên Sở sẽ có tờ trình gửi UBND TPHCM đề nghị điều chỉnh một số quy định, tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hạn chế tối đa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong trường học.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP cũng yêu cầu các đơn vị trường học nâng cao hơn nữa công tác phòng chống dịch đối với các hoạt động bán trú, nội trú, căn tin.

Nếu đơn vị nào chưa đủ điều kiện tổ chức các hoạt động sẽ được yêu cầu dừng tổ chức nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Bên cạnh đó, ông Dương Trí Dũng cũng lưu ý, các trường cần phân biệt đúng hai nhóm đối tượng học sinh F0 và F1. Trong đó, F0 là các trường hợp học sinh được xác định nhiễm bệnh Covid-19, phải được nhận các chế độ chăm sóc sức khỏe, nghỉ ngơi và điều trị theo đúng quy định của cơ quan y tế.

Trường hợp phụ huynh yêu cầu cho con là F0 vẫn tham gia học trực tuyến, hoặc học sinh nhiễm bệnh không triệu chứng, nhà trường có thể linh động bố trí thời lượng học phù hợp nhưng phải ưu tiên các vấn đề về sức khỏe học sinh.

Riêng đối với các trường hợp là F1, được yêu cầu cách ly tại nhà theo dõi sức khỏe không phải đối tượng học sinh nhiễm bệnh, do đó phải được giải quyết nhu cầu học tập trực tuyến của học sinh.    

Tin cùng chuyên mục