Phát biểu khai mạc tại lễ ra quân, GS.TS.BS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đây là đợt hoạt động cao điểm nhằm loại bỏ các vật dụng có thể chứa nước, xóa các điểm nguy cơ, giảm nguồn sinh sản của muỗi trên toàn TP trong mỗi gia đình, đảm bảo hiệu quả của phun hóa chất diệt muỗi và duy trì tính bền vững của hoạt động phòng chống sốt xuất huyết (SXH) dựa vào cộng đồng.
Chiến dịch bao gồm các hoạt động thiết thực trong công tác phòng chống SXH sẽ diễn ra đồng loạt từ nay đến Tết Nguyên đán 2018 trên toàn TP.
Cùng với đó, để có thể phát động một chiến dịch truyền thông rộng rãi và sâu rộng đến các tổ chức và người dân, tạo sức cộng hưởng lan rộng trong toàn xã hội, tiến tới thực hiện các giải pháp, chiến dịch hành động cụ thể để phòng chống bệnh SXH.
Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Tấn Bỉnh yêu cầu các cấp chính quyền địa phương tăng cường triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả; kêu gọi sự chung tay góp sức của các ngành các cấp chính quyền địa phương và sự chủ động của người dân trong phòng, chống dịch bệnh SXH đang diễn biến phức tạp hiện nay. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm tra, có chế tài xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, trong 8 tháng đầu năm, TP đã ghi nhận hơn 12.000 trường hợp SXH nhập viện (tăng 26% so với cùng kỳ 2016). TPHCM là địa phương có số ca mắc tuyệt đối đứng thứ 2 trong cả nước sau Hà Nội; tỷ lệ mắc bệnh trên 100.000 dân đứng thứ 5 cả nước.
Năm nay, mùa dịch SXH đến sớm và diễn biến bất thường. Tính riêng từ đầu tháng 8 đến nay, số ca bệnh nhập viện hàng tuần đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016.
Tại huyện Bình Chánh, từ đầu năm đến nay huyện có 979 ca mắc bệnh SXH, tăng 411 ca so với cùng kỳ năm 2016. Riêng xã Vĩnh Lộc B, số ca mắc bệnh SXH đã chiếm 30% số ca SXH của toàn huyện Bình Chánh. Tại xã này cũng đã xuất hiện nhiều ổ dịch ở khu vực giáp ranh với quận Bình Tân.
Sau lễ phát động, 15 đội tình nguyện phòng, chống dịch bệnh của huyện Bình Chánh đã ra quân truyền thông vận động người dân chủ động thực hiện những biện pháp phòng, chống bệnh SXH, bệnh do virus Zika như vệ sinh, dọn dẹp vệ sinh môi trường tại nơi sinh sống, không cho muỗi đẻ trứng, phát sinh lăng quăng dễ phát sinh muỗi bệnh nhằm phấn đấu giảm số ca mắc bệnh trong thời gian tới.