Sáng 19-5, HĐND TPHCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc kỳ họp thứ 15 (kỳ họp chuyên đề). Chủ tọa kỳ họp có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Phạm Thành Kiên, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Huỳnh Thanh Nhân, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM.
Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng trình bày tờ trình của UBND TPHCM về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (gọi tắt là Đồ án).
Theo đó, Đồ án dự báo quy mô dân số TPHCM đến năm 2040 là 13 triệu người, năm 2050 là 14,5 triệu người và đạt 16 triệu người vào năm 2060. Đồ án định hướng phát triển đô thị TPHCM dự kiến hình thành và phát triển thành 5 phân vùng. Đó là phân vùng đô thị trung tâm; đô thị phía Đông; đô thị phía Bắc – Tây Bắc; đô thị phía Tây và đô thị phía Nam.
Về giao thông, Đồ án dựa trên cơ sở bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, 5 quy hoạch chuyên ngành giao thông quốc gia.
Trong đó, dự kiến bổ sung kết nối đường bộ để củng cố vị trí trung tâm của TPHCM như kéo dài trục đường Nguyễn Hữu Thọ, kết nối đường ven biển tại Tiền Giang; kết nối sân bay Long Thành; kết nối với Đồng Nai; kết nối đường sắt… Đồ án cũng xác định các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc tuyến metro, đường Vành đai 3.
Thông tin cụ thể hơn, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM Nguyễn Thanh Nhã cho biết, nội dung Đồ án tiếp tục bổ sung làm rõ chiến lược, lộ trình khả thi phát triển mạng lưới metro hướng tới việc thực thi tầm nhìn đạt 520km đến năm 2060. Trong thời hạn quy hoạch của Đồ án (năm 2040), dự kiến quy hoạch ưu tiên, tập trung hoàn thành mạng lưới metro đồng bộ.
Đồ án sẽ tiếp tục xây dựng chiến lược, lộ trình, các hướng và khu vực phát triển, các dự án ưu tiên phát triển gắn với đường sắt đô thị và mức độ đảm nhận của các loại hình giao thông công cộng khác theo các mốc thời gian quan trọng (năm 2030, 2040); có tính tới các yếu tố như hình thái đô thị, mật độ dân cư, khả năng tái thiết đô thị…
Nét mới quy hoạch không gian đô thị dọc sông Sài Gòn là bước đột phá trở thành biểu tượng cho sự chuyển đổi, góp phần xây dựng một đô thị sông nước hiện đại, xanh hóa, phát triển bền vững của cả khu vực. Ngoài ra, Đồ án bổ sung tuyến đường ven sông Sài Gòn kéo dài từ huyện Củ Chi đến huyện Cần Giờ. Đồ án cũng bổ sung kéo dài trục giao thông động lực phía Nam, kết nối cảng Cần Giờ, giải quyết các vấn đề là điểm nghẽn về giao thông của TPHCM.
Sau khi nghe báo cáo của UBND TPHCM, các đại biểu đã thảo luận về các nội dung cụ thể liên quan đến quy mô dân số, quy mô đất đai, phân vùng đô thị, phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, quy hoạch không gian ngầm, chỉ tiêu cây xanh, quản lý chất thải...