Cụ thể, từ ngày 25 đến ngày 27-10, Sở Du lịch TPHCM phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore tổ chức chương trình quảng bá du lịch Việt Nam – TPHCM ở Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia, Singapore.
Ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết, Singapore là một trong những thị trường khách quan trọng đối với du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung. Trước dịch Covid-19 Việt Nam đón gần 310.000 lượt khách Singapore và năm 2022 Việt Nam đón 178.861 lượt.
Riêng TPHCM, tổng lượng khách Singapore năm 2019 đạt gần 290.000 lượt; năm 2022, con số này 114.000 lượt, chiếm khoảng 3,3% tổng lượng khách quốc tế đến TPHCM. Thị trường Singapore có nhiều tiềm năng tăng trưởng và luôn nằm trong 10 thị trường khách du lịch hàng đầu đến Việt Nam và TPHCM trong những năm gần đây.
Các gian hàng của doanh nghiệp du lịch TPHCM tại Hội chợ Du lịch Quốc tế ITB Asia, Singapore |
Tham gia gian hàng Du lịch TPHCM – Việt Nam, các khách mời được trải nghiệm nhiều hoạt động phong phú như gặp gỡ các cơ quan quản lý du lịch, các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan hàng đầu Việt Nam - TPHCM…
Bên cạnh đó, khách mời cũng được tìm hiểu về các sản phẩm du lịch thiết kế dành riêng cho thị trường Singapore như du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe, du lịch văn hóa – lịch sử, du lịch Golf, Du lịch MICE, du lịch sinh thái, các sản phẩm liên kết vùng …
Tại chương trình, TPHCM cũng thiết kế quầy trưng bày quảng bá điểm đến từ vật phẩm du lịch như như USB, thiệp gỗ, túi vải, nón lá, cẩm nang du lịch TPHCM và cà phê Việt Nam… Khách mời cũng được trải nghiệm các hoạt động thủ công truyền thống như nặn tò he, xếp lá dừa.
Khách quốc tế tìm hiểu thông tin tại gian hàng của Sở Du lịch TPHCM ở Singapore |
Đối với thị trường Lào, từ ngày 22 đến ngày 29-10, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TPHCM làm trưởng đoàn đã có chuyến xúc tiến, quảng bá du lịch TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung tại Tuần lễ Văn hóa - Du lịch ở Luông Pha Băng, Lào.
Đây là hoạt động thiết thực nhằm quảng bá du lịch Việt Nam nói chung, 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TPHCM nói riêng đến các doanh nghiệp du lịch Lào. Chuyến tham quan, trải nghiệm du lịch là nền tảng cho các hoạt động quảng bá điểm đến TPHCM tại thị trường khách Đông Nam Á nói riêng và Châu Á nói chung.
Một số hoạt động chính bao gồm: Biểu diễn các tiết mục văn hóa - nghệ thuật, xiếc của TPHCM; tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch, thương mại, nông nghiệp TPHCM; giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch, chương trình du lịch, sản phẩm du lịch - nông nghiệp - thương mại, trình chiếu video quảng bá du lịch - nông nghiệp - thương mại, trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP tiêu biểu, ẩm thực truyền thống, biểu diễn nghệ thuật…
Chùa Pha That Luong, biểu tượng được in trên tiền và quốc huy của Lào. Đây cũng là nơi thường được chọn để tổ chức các lễ hội hoặc lễ kỷ niệm. Ảnh: MINH MẪN - TSTtourist |
Ngoài ra, đoàn còn tham gia chuyến khảo sát điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch: khảo sát các điểm đến du lịch từ cửa khẩu quốc tế Tây Trang (tỉnh Điện Biên) đến tỉnh Luông Pha Băng, kết nối du lịch từ TPHCM đến các tỉnh Tây Bắc (Việt Nam) và Lào.
Theo Sở Du lịch TPHCM, hiện nay việc kết nối du lịch với Lào chủ yếu bằng 2 hình thức đường không và đường bộ. Do vậy việc khai thác phát triển du lịch đến thị trường Lào còn nhiều hạn chế, nhất là tuyến bay thẳng từ TPHCM đi Lào.
TPHCM quảng bá các sản phẩm du lịch, đặc sản của TP cũng như các tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Lào |
Qua sự kiện lần này một số doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở thêm 3 tuyến du lịch như: Tuyến thu hút khách thị trường Châu Âu đi 3 nước Đông Dương (từ TPHCM của Việt Nam đi Lào - Campuchia); Tuyến du lịch liên vùng bằng đường bộ từ TPHCM đi các tỉnh khu vực Tây Bắc (Việt Nam) và Lào; Kết nối thêm tuyến bằng tàu cao tốc nối Lào và khu vực phía Nam của Trung Quốc.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cùng đoàn công tác quảng bá, xúc tiến du lịch TPHCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng tại Lào |
Lào có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam, đóng vị trí cửa ngõ quan trọng để kết nối vào thị trường lớn của tiểu vùng châu Á. Hiện nay, đầu tư của Việt Nam đứng thứ 3 tại Lào, do đó hoạt động giao thương giữa 2 nước khá sôi động.