TPHCM qua 20 năm xây trường, mở lớp - Bài 4: Tăng nguồn lực cho địa phương

Mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn TPHCM mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng để đáp ứng yêu cầu dạy học của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thì cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn.

Để thực hiện mục tiêu đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó tập trung các giải pháp giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp, tăng tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày, ngoài đẩy nhanh tốc độ triển khai các dự án xây dựng trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân, còn cần nhiều giải pháp đồng bộ, tháo gỡ vướng mắc về kinh phí, chính sách ưu đãi về đất đai nhằm giải quyết căn cơ bài toán quy hoạch trường lớp.

- Bà VĂN THỊ BẠCH TUYẾT, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM:

Cần chính sách ưu đãi về đất đai

Mạng lưới trường lớp các cấp học trên địa bàn TPHCM mặc dù được quan tâm đầu tư, nâng cấp, mở rộng nhưng để đáp ứng yêu cầu dạy học của Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 thì cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, với các khu vực trong giai đoạn đô thị hóa nhanh, phát triển kinh tế - xã hội, khu vực tập trung các khu chế xuất, khu công nghiệp (TP Thủ Đức, các quận 7, 12, Tân Phú, Bình Tân, các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi), dân số cơ học tăng cao dẫn đến áp lực về chỗ học hàng năm rất lớn. Tuy nhiên, hiện nay quy trình đầu tư công kéo dài, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian thực hiện, quỹ đất sạch hạn chế, tiến độ xây mới và mở rộng trường lớp chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Do đó, mục tiêu đảm bảo sĩ số HS/lớp theo quy định của Điều lệ trường tiểu học và trường THCS, tỷ lệ HS học 2 buổi/ngày trên toàn thành phố gặp khó khăn.

Để khắc phục tạm thời khó khăn về cơ sở vật chất, các cơ sở giáo dục đã và đang tự thân vận động bằng nhiều cách, trong đó có việc liên kết mượn tạm cơ sở vật chất của các trường lân cận hoặc đơn vị chức năng để tổ chức dạy - học. Song về lâu dài, Chính phủ cần có thêm chính sách ưu đãi cụ thể về đất đai để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách phát triển mạng lưới trường học, đảm bảo điều kiện triển khai Chương trình GDPT 2018. Đặc biệt, với các địa phương, khu vực đô thị trung tâm khó khăn về quỹ đất, Bộ Xây dựng xem xét các quy định đặc thù, linh hoạt trong quy chuẩn xây dựng trường học như tăng số tầng cao, mật độ xây dựng…

- Ông PHAN NGỌC PHÚC, Phó Giám đốc Sở QH-KT TPHCM:

Bổ sung nguồn vốn trên 10.000 tỷ đồng

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đã bố trí 369 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 10.490 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,3% kế hoạch trung hạn. Hiện Sở QH-KT đang tham mưu UBND TPHCM bổ sung nguồn vốn có khả năng huy động tăng thêm để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua để đáp ứng một phần nhu cầu của các trường học.

Trước thực tế quỹ đất quy hoạch giáo dục ở các quận nội thành khó khăn, nhiều dự án xây mới trên diện tích đất hiện hữu được các địa phương đề xuất cho phép tăng thêm tầng cao, trong đó bố trí tầng 1, 2, 3 phục vụ công tác dạy học, các tầng cao hơn để phục vụ quản lý hành chính. Tôi cho rằng hướng tháo gỡ đó là cần thiết. Nếu được tăng thêm tầng cao sẽ giúp các quận nội thành tận dụng diện tích mặt đất để bố trí sân chơi cho HS.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, hiện nay đang tồn tại vướng mắc là trường mầm non tư thục thuê đất ở của người dân thời hạn 5-10 năm, theo quy định vẫn phải làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, người cho thuê không đồng ý điều chỉnh quy hoạch từ đất ở thành đất giáo dục vì ảnh hưởng quyền lợi chủ sở hữu. Do đó, để tăng thu hút các nguồn đầu tư xã hội hóa, thành phố cần có chính sách cho phép chuyển đổi tạm thời mục đích sử dụng đất từ đất ở để xây dựng trường trong thời gian nhất định. Kết thúc thời gian cho thuê đất sử dụng với mục đích giáo dục, người dân vẫn được đảm bảo quyền lợi đất ở.

- Ông VÕ ĐỨC THANH, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, TPHCM:

Điều chỉnh vốn đầu tư xây dựng trường

Tính riêng 7 năm qua, huyện đã đưa vào sử dụng 50 trường học mới với 1.529 lớp học. Vừa qua, HĐND TPHCM đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng đối với một số dự án trường học trên địa bàn gồm: THCS Vĩnh Lộc A (được điều chỉnh vốn đầu tư từ 139,3 tỷ đồng thành 186,181 tỷ đồng); dự án xây mới Trường Tiểu học Tân Kiên (vốn đầu tư từ 100 tỷ đồng lên 138,613 tỷ đồng); dự án xây dựng Trường Mầm non Vĩnh Lộc A (vốn đầu tư từ 60 tỷ đồng lên 99,855 tỷ đồng). Nhờ đó, huyện sẽ đẩy nhanh tiến độ đền bù giải tỏa, thi công trong thời gian sớm nhất.

Tuy nhiên, với tốc độ dân số cơ học tăng cao như hiện nay dẫn đến số lượng HS trên địa bàn huyện tăng khoảng 4.000 em mỗi năm. Bình Chánh cần xây mới 39 dự án trường học, trong đó có 27 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 và 12 dự án xây mới trường học đã được phê duyệt. Cụ thể, 27 dự án chuyển tiếp đã được thành phố bố trí 980 tỷ đồng vốn đầu tư trung hạn, còn thiếu 3.520 tỷ đồng. Nếu không được cấp vốn bổ sung, địa phương sẽ không thể hoàn thành các dự án và đối mặt với khó khăn lớn về nhu cầu trường lớp, tình trạng quá tải sĩ số HS.

- Bà LÊ THỊ THANH THẢO, Chủ tịch UBND quận 6, TPHCM:

Tiếp tục đầu tư xây thêm trường học

Quy mô trường lớp trên địa bàn quận 6 đã được quan tâm thực hiện, ngày càng hoàn chỉnh, đa dạng với 82 trường (53 trường công lập, 29 trường ngoài công lập), qua đó đáp ứng tốt chỗ học cho 53.286 HS trên toàn quận. Hiện nay, quận không bị áp lực công tác huy động trẻ ra lớp hàng năm. Tỷ lệ HS học 2 buổi/ ngày trên địa bàn quận 6 đạt 100% đối với các bậc học mầm non , tiểu học, THCS. Tính đến cuối năm 2022, quận đã đạt 302 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (3-18 tuổi).

Không chủ quan với kết quả đạt được, tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, quận 6 cần thêm quỹ đất cho giáo dục 40.174m2 để xây mới thêm 513 phòng học. Trước mắt, giai đoạn 2021-2025, quận 6 cần trên 360 tỷ đồng để xây mới 3 trường mầm non; xây mới, nâng tầng cao 5 trường THCS, vốn cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng 2 dự án trường mầm non và 1 trường tiểu học.

- Ông NGUYỄN MINH NHỰT, Chủ tịch UBND quận Bình Tân, TPHCM:

Ưu tiên bố trí vốn xây trường học

Năm học 2022-2023, quận Bình Tân có 165 trường học (3.715 lớp) và 130.069 HS. Dự báo, năm học 2025-2026, số HS các cấp sẽ tăng khoảng 11.922 em, tăng nhiều nhất 6.882 HS bậc THCS, 1.500 HS bậc tiểu học. Để giải bài toán nhu cầu về chỗ học, quận phấn đấu hoàn thành 16 dự án xây dựng trường học các cấp, tổng quy mô 494 phòng học - đây là những dự án đã được thành phố bố trí vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngoài ra, địa phương còn 10 dự án (232 phòng học) đang vướng đền bù giải tỏa hoặc thiếu vốn đầu tư…

Tới đây, quận Bình Tân tiếp tục ưu tiên chi ngân sách cho hoạt động giáo dục. Cùng với đó, quận kiến nghị UBND TPHCM xem xét ưu tiên bố trí vốn trung hạn cho các dự án xây dựng trường học, đồng thời bàn giao 6 địa chỉ nhà đất do các doanh nghiệp trực thuộc thành phố quản lý hiện đang để trống trên địa bàn cho địa phương đầu tư xây mới trường học từ nay đến năm 2030.

- Bà HUỲNH LÊ VÂN TRÀ, Sở Xây dựng TPHCM:

Chỉ tiêu diện tích đất/học sinh chưa phù hợp

Từ năm 2020 đến nay, Sở Xây dựng TPHCM không nhận được hồ sơ duyệt xây mới trường học mà chủ yếu là hồ sơ điều chỉnh kéo dài dự án. Trong đó, có những quận như Bình Tân phải điều chỉnh nhiều dự án do vướng khâu giải phóng mặt bằng, có dự án triển khai từ năm 2010 đến nay chưa thực hiện xong nên vốn tăng gấp đôi.

Mặt khác, trước đây quy định diện tích đất bình quân trên mỗi HS tính riêng cho khu vực nội thành, vùng ven, ngoại thành nhưng nay áp dụng chỉ tiêu chung cho cả nước gây khó khăn cho các địa phương do đặc thù khác nhau về phân bố dân cư. Quy định này dẫn đến tình trạng nhiều nơi trường học xuống cấp, nhưng địa phương chỉ có nhu cầu sửa chữa chứ không dám đề xuất xây mới. Do đó, UBND TPHCM cần đề xuất các bộ ngành trung ương điều chỉnh lại chỉ tiêu cho phù hợp với từng khu vực. Nếu giữ nguyên chỉ tiêu diện tích đất bình quân trên mỗi HS như hiện nay (từ 8 - 10m2/HS) thì gần như không có dự án nào đạt.

Tin cùng chuyên mục