Gỡ nút thắt
TS Huỳnh Công Minh, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, nhớ lại, thời điểm năm 1999, dù ngân sách thành phố còn eo hẹp nhưng lãnh đạo TPHCM đã dành tỷ trọng 20% ngân sách đầu tư cho giáo dục, mở rộng việc xây dựng trường lớp với 1.118 phòng học trên địa bàn các quận, huyện. Trong đó, 2/3 số phòng học được phê duyệt cho khu vực ngoại thành và quận mới phát triển. Nhờ đó, tình trạng học ca 3, ca 4 không còn tái diễn, nhiều công trình trường học khang trang được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến năm 2003, với quy mô gần 700.000 học sinh, điệp khúc thiếu chỗ học bắt đầu nóng ở các quận, huyện. Tốc độ xây dựng trường lớp không theo kịp đà tăng dân số cơ học do bình quân mỗi năm toàn thành phố tăng thêm khoảng 40.000 học sinh.
Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, kể lại, năm 2003, quận mới được tách ra từ huyện Bình Chánh, với dân số trên 800.000 người. Thời điểm đó, toàn quận có 31 trường với 542 phòng học đáp ứng chỗ học cho gần 26.000 học sinh các cấp. Nhiều ngôi trường cũ kỹ, xuống cấp, số lượng phòng học không đủ đáp ứng nhu cầu về chỗ học của người dân…
Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT đã tham mưu UBND TPHCM ban hành Quyết định 02 về quy hoạch mạng lưới trường lớp ở 24 quận, huyện. Quyết sách mang tính đột phá này đã tạo đòn bẩy cho các quận, huyện xây dựng các chương trình hành động, đồ án quy hoạch nhằm tạo thêm quỹ đất cho giáo dục, đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường lớp, giải tỏa dần áp lực về chỗ học cho người dân. Hàng năm, ngân sách thành phố ưu tiên bố trí từ 3.000-4.000 tỷ đồng phục vụ công tác xây dựng trường lớp.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông cùng cô trò Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (Củ Chi, TPHCM). Ảnh: QUANG HUY |
Dám nghĩ dám làm
Từ Quyết định 02, quận 10 đã giải tỏa áp lực thiếu chỗ học bằng nhiều giải pháp linh hoạt. Trong đó, không chỉ ưu tiên về quỹ đất, đẩy mạnh thu hồi đất dự án, địa phương còn huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện mục tiêu đầu tư mở rộng trường lớp, nâng cao chất lượng đào tạo. Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường chia sẻ: “Trường THCS Nguyễn Văn Tố là ngôi trường tiêu biểu, thể hiện rõ nét sự đầu tư toàn diện cho giáo dục của địa phương trong 20 năm qua”.
Trước đó, ngôi trường có cơ sở vật chất xuống cấp, diện tích nhỏ hẹp, không đạt chuẩn khiến nhiều phụ huynh tìm cách “chạy” cho con qua trường khác. Không để tình trạng này kéo dài lâu, UBND quận 10 đã quyết liệt chỉ đạo triển khai kế hoạch xây mới trường này, mục tiêu không chỉ đạt chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất mà còn đạt chuẩn quốc tế.
Không chỉ quận 10, hàng loạt quận, huyện như quận 2, 9 (cũ), 7, 12, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… cũng hạ quyết tâm vượt khó, tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn trong thu hồi mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để mở rộng, xây dựng thêm trường lớp. Trưởng phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết, từ năm 2003 đến nay, toàn quận triển khai 102 dự án xây dựng trường học, xây mới 732 phòng học và hàng trăm phòng chức năng, đồng thời nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình trường học góp phần đảm bảo điều kiện học tập cho người dân trên địa bàn. Trong đó, các cơ sở giáo dục được đầu tư xây mới đồng bộ, khang trang, hiện đại, góp phần chuẩn hóa chất lượng đào tạo.
Riêng ở huyện Củ Chi, nhờ có quỹ đất dồi dào nên nhiều dự án xây trường có quy mô lớn, cơ sở vật chất khang trang đã thành hình và đưa vào sử dụng. Tính đến nay, huyện đã thực hiện trên 100 dự án xây mới, sửa chữa công trình trường học với khoảng 2.000 phòng học. So với quy mô học sinh, Củ Chi hiện là địa phương đảm bảo tỷ lệ bao phủ trường học khá lý tưởng, trong đó số trường đạt chuẩn quốc gia luôn ở tốp đầu thành phố. Có thể kể đến một số ngôi trường vừa khánh thành với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại như Trường Mầm non Tân Thông Hội, Tiểu học An Phú, THCS thị trấn Củ Chi…
Từ những điểm sáng về quy hoạch trường lớp, từ năm học 2014-2015, TPHCM bắt đầu thí điểm mô hình “Trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế”. Chủ trương này được đánh giá là cơ sở thúc đẩy xã hội hóa giáo dục, huy động thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Sau 10 năm triển khai, mô hình đã khẳng định sự thành công ở hàng loạt ngôi trường như THPT Lê Quý Đôn (quận 3), THPT Nguyễn Du (quận 10), THPT Nguyễn Hiền (quận 11), THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), THCS Trần Quốc Toản (TP Thủ Đức)…
Người dân hợp sức xây trường
Tại ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, mẹ Việt Nam Anh hùng Kiều Thị Nông (87 tuổi) không chỉ được biết đến là tấm gương cách mạng tiêu biểu của vùng “Đất thép thành đồng” mà còn là người đã hiến gần 3.000m2 đất cho địa phương làm đường nông thôn, kênh thoát nước, đồng thời vận động con cháu trong gia đình hiến thêm 800m2 đất xây trường. Mẹ nói: “Gia đình tôi hiến đất cho Nhà nước làm đường, xây trường để bà con đi lại thuận tiện, trẻ nhỏ được học trong ngôi trường mới”. Phó Chủ tịch UBND xã Trung Lập Thượng Nguyễn Thị Mỹ Linh thông tin, nhờ những tấm gương tiêu biểu đi đầu như gia đình mẹ Kiều Thị Nông, đến nay đã có 1.290 hộ dân tình nguyện hiến cho xã gần 90.400m2 đất thổ cư, ruộng vườn để xây trường, làm đường nông thôn, kênh thoát nước… Nhờ đó, địa phương có thêm nhiều ngôi trường khang trang, đạt chuẩn quốc gia, chất lượng giáo dục ngày càng khởi sắc.
Tại quận 12, trong 20 năm qua đã có 285.000m2 đất được người dân hiến tặng, tổng giá trị gần 1.800 tỷ đồng. Huyện Cần Giờ có gần 340.000m2; huyện Bình Chánh hơn 300.000m2 đất được hiến tặng từ sự chung tay của người dân.