Theo đó, về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2030 đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện phấn đấu đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) ở mỗi cấp học, bậc học. Đồng thời, có ít nhất 2 trường ở mỗi bậc học thực hiện chương trình chất lượng cao theo mô hình “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế", 100% trường học phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh.
Về yêu cầu sĩ số, trường học đảm bảo sĩ số 30 - 35 học sinh/lớp ở các bậc học. Trong đó, 100% trường tiểu học và 70% trường THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
Đối với bậc THPT, hơn 80% trường THPT ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức dạy học 2 buổi/ngày.
Riêng đối với bậc mầm non, TPHCM phấn đấu đến năm 2030 mỗi cơ sở mầm non có ít nhất một phòng học thông minh, 100% giáo viên đáp ứng chuẩn trình độ đào tạo, 60% giáo viên có trình độ trên chuẩn, 100% trẻ mẫu giáo được làm quen với tiếng Anh.
TPHCM hướng đến mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo |
Về yêu cầu ngoại ngữ, thành phố phấn đấu đến năm 2030 có 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt trình độ ngoại ngữ A1 hoặc tương đương, 100% học sinh hoàn thành chương trình trung học đạt cấp độ ngoại ngữ từ A2 hoặc tương đương, ngoài ra 50% học sinh tiểu học đạt chứng chỉ tin học ngoại ngữ quốc tế.
Về bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, thành phố sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh vùng xã đảo, học sinh thuộc các huyện ngoại thành, trẻ em khó khăn, mồ côi, không nơi nương tựa, người khuyết tật hoặc thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và người yếu thế.
Song song đó, ngành giáo dục tạo điều kiện cho trẻ dưới 36 tháng tuổi được nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục đảm bảo chất lượng tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất.
TPHCM từng bước phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ mẫu giáo và thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm, nâng cao hiệu quả công tác xóa mù chữ, đảm bảo mọi người học đều được trang bị các kỹ năng của con người thế kỷ 21.
Cũng theo báo cáo, thành phố đảm bảo ngân sách nhà nước chi thường xuyên cho giáo dục và đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước.