Giai đoạn từ năm 2023 đến năm 2025, có 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 50% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 50% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 30% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Ngoài ra, 100% giáo viên dạy Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% các trường phổ thông có phòng máy vi tính và 80% đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.
Giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030, 100% học sinh các trường tiên tiến, hội nhập được học và 80% đạt chứng chỉ Tin học quốc tế. Đối với các trường phổ thông khác, có 80% học sinh được đáp ứng nhu cầu học tin học và 50% học sinh đạt chứng chỉ Tin học quốc tế.
Về đội ngũ giáo viên, 100% giáo viên dạy Tin học được chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu dạy chương trình Tin học quốc tế theo cấp học, 100% nhà trường có đủ số lượng, đảm bảo chất lượng, cấu hình máy vi tính đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo chương trình chuẩn quốc tế.
Đề án được dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách TP, ngân sách quận, huyện theo phân cấp kết hợp với xã hội hóa để đảm bảo triển khai một cách hiệu quả.
Trước đó, theo Sở GD-ĐT TP, trong chương trình giáo dục phổ thông mới, môn Tin học đã trở thành bộ môn chính thức đưa vào giảng dạy từ cấp tiểu học. Vì vậy, việc đầu tư phòng máy, máy vi tính và đội ngũ đạt chuẩn nhằm đảm bảo 100% các trường phổ thông dạy môn Tin học là yêu cầu bắt buộc phải thực hiện trong thời gian tới.
Thực tế hiện nay cho thấy, TP có nhiều lợi thế so với các tỉnh, thành trong cả nước về cơ sở vật chất, phòng máy, đội ngũ giáo viên dạy Tin học.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, việc thí điểm đưa môn Tin học vào giảng dạy tại các trường phổ thông theo chuẩn quốc tế IC3 Spark, IC3 và MOS (chứng chỉ quốc tế do Tổ chức Certiport cấp, đã được Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ GD-ĐT công nhận).
Năm học 2018 - 2019, toàn TP có 434 (88,4%) trường tiểu học tổ chức dạy học môn Tin học cho 410.579 học sinh (đạt tỷ lệ 63,95%). Trong đó có 224 trường dạy từ lớp 1 đến lớp 5, 115 trường dạy từ lớp 2 đến lớp 5 và 95 trường đưa vào dạy ở lớp 5. Một số trường tiểu học có tổ chức dạy Tin học nhưng không đầy đủ ở các khối lớp và vẫn còn 57 trường Tiểu học chưa tổ chức dạy học môn Tin học.
Ở cấp trung học (THCS và THPT), học sinh TP có môi trường thuận lợi trong việc học và tiếp cận khoa học công nghệ, đặc biệt là Tin học. Với các phương tiện, thiết bị được đầu tư cho nhà trường, 100% học sinh THCS và THPT được học Tin học. Tuy nhiên, hầu hết chỉ dừng ở chương trình phổ thông, chưa đáp ứng được nhu cầu của học sinh, nhất là trong thời đại hội nhập quốc tế.
Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại các nhà trường hiện nay đang ngày một nâng cao. Hầu hết các đơn vị, cơ sở giáo dục đã được kết nối internet băng thông rộng và kết nối cáp quang, có máy tính phục vụ công tác quản lý và hoạt động chuyên môn, các trường trung học đều có phòng tin học và máy vi tính để giảng dạy chương trình theo quy định của Bộ GD-ĐT, tuy nhiên hệ thống còn cũ kỹ, lạc hậu, cấu hình thấp, khó triển khai các chương trình giảng dạy theo chuẩn quốc tế.Mặc dù còn nhiều khó khăn, sau 4 năm triển khai thí điểm, toàn TP có 4.524 học sinh tiểu học đạt chứng chỉ IC3 Spark, 280 học sinh THCS đạt chứng chỉ IC3 và 10.277 học sinh THPT đạt chứng chỉ MOS.
Ngòai ra, nhiều em đạt giải cao trong các kỳ thi cấp quốc gia, quốc tế và được tuyển thẳng vào đại học ở Việt Nam cũng như được nhận học bổng của các nước phát triển trên thế giới.