Thạc sĩ về với “ruộng”
Những ngày đầu tháng 4 này, chúng tôi trở lại thăm vườn lan của ông Nguyễn Văn Thọ (tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh), có dịp làm quen “nhân viên” giúp việc mới Nguyễn Văn Thạnh (con trai chủ vườn) trạc tuổi 29. Điều thú vị là với tấm bằng thạc sĩ Hóa, từng làm việc ở một viện nghiên cứu, Thạnh vẫn xin nghỉ việc về nhà làm nông với cha.
Quan sát việc đo ô nhiễm nguồn nước, Thạnh tâm sự: “Trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, ở nhà với cha mẹ một thời gian, tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp rất thú vị, nhất là với vườn lan khoảng 8.000m2 của gia đình. Do vậy, tôi quyết định nghỉ việc về làm nông dân”. Từ khi có thêm “cánh tay đắc lực” của con trai, vườn lan của ông Thọ được nâng cấp thêm giàn, khung sắt để tăng diện tích sản xuất; nguồn nước tưới cũng được thay bằng nguồn nước có kiểm soát chất lượng bằng công nghệ mới nên ổn định hơn... “Hoa lan hiện phụ thuộc vào giống nhập, nên rất khó kiểm soát chất lượng, mầm bệnh. Một lần, vườn nhà nhập về một lô hoa cho ra năng suất kém nên tôi đã nghiên cứu thêm kiến thức về trồng trọt, học cấy mô để hướng tới việc chủ động nguồn cung cấp giống”, Thạnh tâm sự.
Trong khi đó, ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, dựa trên nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, anh Đậu Thanh Tùng, nhân viên một công ty cao su, đã trồng dừa bonsai với giá bán 250.000 đồng đến vài triệu đồng/cây. Hơn 2 năm trước, Tùng chỉ làm thử vì đam mê, nhưng khi trồng được một số cây để chưng trong nhà, thấy dừa bonsai có giá trị kinh tế cao, có thể phát triển kinh tế được, nên anh trồng thêm hàng trăm cây. Dừa bonsai có thể làm từ dừa xiêm, dừa sọc, dừa lá cẩm thạch, dừa xiêm xanh…; tùy mỗi loại mà cho màu lá khác nhau. Hiện tại, vườn dừa bonsai hơn 100m2 của Tùng có hơn 300 cây. Trong đợt thu hoạch đầu vào Tết Nhâm Dần 2022, anh Tùng bán gần 200 cây dừa. Sắp tới, Tùng dự tính tạo sản phẩm có hình 12 con giáp.
Do quỹ đất nông nghiệp TPHCM ngày càng hạn hẹp nên không chỉ anh Tùng mà nhiều nông dân khác cũng đã linh hoạt chuyển đổi mô hình sản xuất từ thâm dụng đất tới sử dụng đất hiệu quả hơn với việc trồng cây kiểng có giá trị kinh tế cao. Một số mô hình nuôi cá Koi, nuôi lươn ở xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, đang sử dụng hệ thống tuần hoàn với năng suất cao hơn rất nhiều lần so với nuôi ao. Mô hình nuôi cá chình, nuôi lươn ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, sử dụng hệ thống lọc sinh học tuần hoàn - tái sử dụng nước kết hợp rau thủy canh giúp nâng cao năng suất trên cùng một diện tích canh tác và tiết kiệm chi phí. Người trồng vừa thu hoạch cá và rau mà chỉ tốn chi phí cho cá ăn, lại rất thân thiện với môi trường.
Tăng tốc xây dựng nông thôn mới
Trong những năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng nhiều vùng nông thôn được cải thiện, đã tác động tích cực tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của nông dân. Theo ông Lê Hữu Thiện, Công ty CP Sinh vật cảnh Thiên Đức, các công trình thủy lợi tạo nguồn nước sạch sản xuất đã giúp đơn vị phát triển, cung cấp nhiều sản phẩm cho thị trường trong và ngoài nước.
Ông Phạm Văn Lũy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, nhìn nhận, nhờ phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái và tận dụng được thành quả cải tạo hạ tầng của phong trào xây dựng nông thôn mới, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang nuôi trồng những loại cây có giá trị cao hơn. Đơn cử như việc trồng mai vàng tại xã Bình Lợi; trồng bưởi da xanh tại xã Phạm Văn Hai; nuôi cá kiểng tại xã Bình Lợi, Phong Phú, Tân Nhựt; mô hình hoa lan tại các xã Bình Chánh, Tân Quý Tây, Hưng Long. Hiện nay, huyện đang nỗ lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường, đáp ứng nhu cầu của thị trường và gắn với phát triển ngành du lịch, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ, nâng nguồn thu nhập, mức sống của người dân ở nông thôn.
Ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM, đánh giá, đến thời điểm hiện tại, nông nghiệp TPHCM đang trên đường hình thành nền nông nghiệp đô thị, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, đem lại giá trị cao hơn cho người dân. Nông dân vẫn bám trụ trên đất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp cao theo hướng nông nghiệp đa giá trị, nhất là khi có nhiều người trẻ có trình độ chuyên môn cao quay về với nghề nông. Phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với quy hoạch TPHCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và gắn với các loại hình du lịch và dịch vụ, phát triển các ngành hàng khác theo chương trình Mỗi xã một sản phẩm để đa dạng hóa sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng, cải tạo hạ tầng kỹ thuật, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất - kinh doanh của nông dân. |