Trao đổi với PV Báo SGGP, đồng chí Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, cho biết cơ quan này đã và đang tích cực tham mưu các giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy kinh tế số trong nhiều lĩnh vực.
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về mức độ phát triển kinh tế số của TPHCM?
Đồng chí Lâm Đình Thắng: TPHCM đang là một trong những trung tâm kinh tế số sôi động nhất cả nước. Từ các chợ truyền thống đến các doanh nghiệp lớn, tất cả đều đang chuyển đổi số để thích ứng với xu thế mới. Kinh tế số không chỉ mang lại sự tiện lợi cho người dân mà còn đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, chúng ta cũng đối mặt với những thách thức như an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong tương lai, TPHCM sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển hạ tầng số, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nhằm xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại, phát triển bền vững
Năm 2021, lần đầu tiên đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TPHCM được cho là 15,38%. Thành phố đặt mục tiêu năm 2024 nâng mức đóng góp của kinh tế số là 22%, đến 2025 là 25%, đến năm 2030 là 40%. Tuy nhiên, cách tính phần đóng góp của kinh tế số trong GRDP hiện chưa thống nhất?
Hiện nay, việc đánh giá đóng góp của kinh tế số vào GRDP đang được thực hiện bởi cả Tổng cục Thống kê và Bộ TT-TT, dẫn đến sự đa dạng trong kết quả. Cụ thể, theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ đóng góp của kinh tế số vào GRDP của TPHCM trong những năm gần đây dao động từ 12,62% đến 14,65%. Trong khi đó, theo Bộ TT-TT, con số này cao hơn, lần lượt là 18,66% và 21,5% cho các năm 2022 và 2023. Mặc dù có sự khác biệt về số liệu nhưng cả hai cơ quan đều thống nhất đánh giá cao vai trò của kinh tế số đối với sự phát triển của TPHCM.
Để có được những số liệu chính xác và toàn diện hơn, Sở TT-TT TPHCM đang tích cực phối hợp với các chuyên gia và các bộ ngành liên quan để nghiên cứu, hoàn thiện phương pháp đo lường. Mục tiêu cuối cùng là xây dựng một hệ thống đánh giá thống nhất, minh bạch, giúp chúng ta có cái nhìn rõ nét hơn về đóng góp của kinh tế số và từ đó đưa ra những chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này.
Trong giai đoạn 2024-2025, UBND TPHCM có kế hoạch triển khai thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chuyển đổi số. Nhiệm vụ này sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
Sở TT-TT TPHCM nhận thức rõ vai trò quan trọng của chuyển đổi số đối với sự phát triển và cạnh tranh của các DNNVV. Từ đó, Sở TT-TT TP tham mưu UBND TPHCM thực hiện đồng bộ 3 nhóm giải pháp: Hoàn thiện môi trường pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hoạt động chuyển đổi số của DNNVV; Triển khai chiến lược quản trị dữ liệu và phát triển hạ tầng số nhằm hỗ trợ, tạo nền tảng vững chắc cho quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp; Xây dựng mạng lưới chuyên gia tư vấn; đồng thời tổ chức các chương trình đào tạo và tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số cho DNNVV. Đối với gói hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, sẽ được thiết kế riêng biệt, phù hợp với quy mô, giai đoạn phát triển và lĩnh vực hoạt động của từng nhóm doanh nghiệp.
Để hiện thực hóa các giải pháp trên, Sở TT-TT TPHCM tham mưu UBND TPHCM triển khai 2 kế hoạch. Thứ nhất là kế hoạch “Hỗ trợ DNNVV chuyển đổi số trên địa bàn TPHCM đến năm 2025” với các chỉ tiêu: nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho 100% DNNVV; hỗ trợ tối thiểu có 60% DNNVV sử dụng nền tảng số và đồng thời thiết lập mạng lưới tư vấn viên chuyển đổi số toàn thành phố. Thứ hai là kế hoạch thí điểm khảo sát, đo lường, đánh giá hiện trạng và mức độ sẵn sàng thương mại điện tử và chuyển đổi số.
Kế hoạch sẽ được triển khai tại quận Phú Nhuận, sau đó sơ kết, đánh giá và nhân rộng ra toàn thành phố. Đồng thời cùng với thu thập các thông tin, số liệu liên quan để làm cơ sở cho việc xây dựng và điều chỉnh các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số; nắm bắt, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ để phục vụ cho công tác quản lý và hoạch định chiến lược của thành phố.
TPHCM đã xác định đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, ưu tiên 7 lĩnh vực: y tế, giáo dục, lao động việc làm, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên - môi trường, logistic. Quá trình này dự báo gặp những khó khăn gì? Vai trò “nhạc trưởng” của Sở TT-TT TPHCM được thể hiện như thế nào?
TPHCM quyết tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong các ngành kinh tế nhằm mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế thành phố trong thời gian tới, tuy nhiên bên cạnh đó, chúng tôi nhận thức rõ những thách thức đi kèm. Đó là, mỗi lĩnh vực có những yêu cầu riêng về hạ tầng và nguồn lực công nghệ thông tin. Việc đầu tư và phát triển đồng bộ 7 lĩnh vực đòi hỏi sự quy hoạch bài bản và nguồn lực đáng kể. Bên cạnh đó, chuyển đổi số không chỉ là về công nghệ, mà còn về con người. Việc thay đổi tư duy, quy trình làm việc và đào tạo kỹ năng số cho đội ngũ nhân lực là một thách thức không nhỏ. Thêm vào đó, an ninh mạng và bảo mật thông tin là vấn đề sống còn, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như y tế. Cuối cùng, sự phối hợp và tích hợp giữa các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp là rất quan trọng để đảm bảo thành công của quá trình số hóa đa ngành này.
Sở TT-TT với vai trò là cơ quan được giao thường trực phải thực hiện tốt vai trò điều phối và dẫn dắt quá trình số hóa. Chúng tôi sẽ chủ trì xây dựng chiến lược và kế hoạch tổng thể, đảm bảo sự đồng bộ và hiệu quả giữa các lĩnh vực. Chúng tôi cũng quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng viễn thông và mạng lưới internet băng thông rộng. Đồng thời tham mưu xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động số hóa. Đào tạo và nâng cao năng lực số cho cán bộ, nhân viên cũng là một ưu tiên hàng đầu. Ngoài ra, chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật cho các đơn vị liên quan; đồng thời thiết lập cơ chế giám sát và đánh giá để đảm bảo hiệu quả và bền vững của quá trình chuyển đổi số.
Chúng tôi tin rằng với sự đồng lòng và nỗ lực của tất cả các bên liên quan, TPHCM sẽ đạt được những thành tựu to lớn trong việc xây dựng một thành phố thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.