Sáng 10-1, Sở An toàn thực phẩm (ATTP) TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024 và phương hướng hoạt động năm 2025. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP thành phố tham dự hội nghị.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở ATTP TPHCM, từ đầu năm đến đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 5 vụ việc liên quan đến ngộ độc thực phẩm. Tỷ lệ ca ngộ độc 0,14/100.000 người dân, không có vụ việc trên 30 người mắc.
Bên cạnh công tác thanh kiểm tra, Sở ATTP thực hiện giám sát mối nguy, lấy 5.340 mẫu thực phẩm các loại để kiểm định chỉ tiêu ATTP (hóa lý, vi sinh), ghi nhận 85% đạt tiêu chuẩn. Tuy nhiên, bà Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ lo ngại khi phát hiện khoảng 10% mẫu nước uống đóng chai và 10% mẫu nước đá không đạt chỉ tiêu vi sinh, khoảng 20% mẫu thuỷ, hải sản nhiễm khuẩn.
"Dựa vào kết quả này, Sở ATTP sẽ tăng cường kiểm tra các sản phẩm nước đá, nước đóng chai trong thời gian tới nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng", bà Phong Lan nói.
Ngoài ra, Sở ATTP TPHCM đã lấy mẫu kiểm nghiệm mặt hàng giá đỗ trên địa bàn thành phố ngay sau khi xảy ra vụ việc giá đỗ ngâm hoá chất tại Đắk Lắk. Đến hiện tại, kết quả cho thấy các mẫu giá đỗ đạt các chỉ tiêu ATTP, không phát hiện nhiễm hoá chất.
Phát biểu chỉ đạo, Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy nhận định, đảm bảo ATTP đảm bảo phục vụ đời sống của người dân là ưu tiên rất lớn của Chính phủ và lãnh đạo thành phố. Do đó, Sở ATTP TPHCM cần tiếp tục tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao với mục tiêu cao nhất là đảm bảo ATTP cho người dân trên địa bàn, nỗ lực không để xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu Sở ATTP tăng cường kiểm tra, giám sát vi phạm trong lĩnh vực ATTP; phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận để kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào cho thành phố, đảm bảo chất lượng nguồn thực phẩm sản xuất trong thành phố. Đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về ATTP, tăng cường phối hợp liên ngành.
Bên cạnh đó, Sở ATTP cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đảm bảo tinh giản và tinh gọn bộ máy đi kèm với nâng cao năng lực, chất lượng điều hành và tổ chức hoạt động; chuyển đổi số trong vận hành và điều hành công việc...
Năm 2024, Sở ATTP TPHCM đã kiểm tra và lập biên bản 15.769 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử lý vi phạm hành chính 64 cơ sở với tổng số tiền phạt là 812.211.500 đồng. Phối hợp đoàn kiểm tra liên ngành TP Thủ Đức và các quận, huyện kiểm tra 260 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 16 cơ sở với tổng số tiền 211.800.000 đồng.
Tuy nhiên, việc phát hiện và xử phạt hành vi phạm ATTP cũng gặp khó khăn do xử phạt vi phạm hành chính còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe trong khi số vụ chuyển sang hình sự rất ít và phức tạp.