Đến tham dự có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TPHCM; Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, quận huyện.
Chương trình Ngày hội Sống xanh là sự kiện thường niên nhằm kêu gọi cộng đồng, tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường, góp phần nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và thực hành thói quen sống xanh.
Tại Ngày hội Sống xanh lần 4 năm 2024, các giải pháp bền vững sẽ tiếp tục được hoàn thiện hơn thông qua nhiều hoạt động tăng cường sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường; giảm thiểu rác thải nhựa; thông tin và khuyến khích người dân sử dụng sản phẩm xanh; hỗ trợ các giải pháp di chuyển xanh…
Ngày hội cũng là dịp để thành phố giới thiệu nhiều hoạt động quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ thân thiện với môi trường, các dự án, chương trình bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM cho biết, TPHCM đã và đang đối mặt nhiều thách thức về suy thoái môi trường từ quá trình tăng trưởng về kinh tế, đô thị hóa và sự gia tăng nhanh chóng về dân số. Hiện mật độ dân số trên địa bàn TPHCM cao gấp 15 lần mật độ dân số trung bình của cả nước.
Đây đang là áp lực vô cùng lớn đối với hạ tầng đô thị trong đảm bảo vấn đề vệ sinh môi trường, kiểm soát ô nhiễm, giữ gìn và bảo vệ cây xanh, phát triển mảng xanh trên địa bàn thành phố. Do đó, việc duy trì và phát triển chương trình Ngày hội Sống xanh là cần thiết để góp phần tạo nên thành phố xanh hơn, sạch hơn.
Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, bên cạnh mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, thành phố luôn đặt trọng tâm xây dựng thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường gắn với triển khai Chương trình Giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2020-2030, chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường, và kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050.
Ghi nhận thực tế cho thấy, công tác bảo vệ môi trường thời gian qua đạt được những chuyển biến tích cực nhờ sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các sở, ngành, chính quyền các cấp, đặc biệt là MTTQVN Thành phố và các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư.
Để phát huy, thành phố đã đề ra các hoạt động trọng tâm trong thời gian tới là kiểm soát ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí; quản lý hiệu quả chất thải rắn, đặc biệt đẩy mạnh phân loại, thu gom, tái chế chất thải theo mô hình kinh tế tuần hoàn; rà soát, xử lý, chuyển hóa các điểm ô nhiễm do thải bỏ rác bừa bãi; tăng cường trồng cây xanh, phát triển mảng xanh; phát triển giao thông xanh, nhân rộng các công trình xanh… Và để làm được điều này rất cần sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Cũng theo Phó Chủ tịch Bùi Xuân Cường, Ngày Môi trường thế giới năm 2024 với chủ đề “Phục hồi đất, chống chịu với sa mạc hóa và hạn hán” nhấn mạnh vai trò của mỗi quốc gia, mỗi địa phương và mỗi tổ chức, cá nhân trong giải quyết các vấn đề môi trường toàn cầu. Từ đó, góp phần đáng kể vào việc làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, bảo vệ môi trường chung.
"Do vậy, đây là dịp để chúng ta nhìn lại và đánh giá những thành quả đã đạt được, đề ra những hành động thiết thực, cụ thể hơn, hiệu quả hơn cho tương lai. Ở góc độ TPHCM, đây cũng là dịp thể hiện trách nhiệm và cam kết trong bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững", đồng chí Bùi Xuân Cường nhấn mạnh.
Cũng tại buổi lễ, lãnh đạo thành phố đề nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, các cơ quan Nhà nước của thành phố gương mẫu, đi đầu trong bảo vệ môi trường, tiêu dùng bền vững và sống thân thiện với môi trường. Về phía mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp tiếp tục đồng lòng, chung tay cùng với thành phố giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường bằng các giải pháp, sáng kiến cụ thể, thiết thực ngay trong sinh hoạt hàng ngày, trong hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị.
Trong khuôn khổ khai mạc chương trình, UBND TPHCM đã tuyên dương 50 phường, xã, thị trấn và 50 khu dân cư vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện xây dựng phường, xã, thị trấn, khu dân cư sạch, xanh và thân thiện môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2024. Cùng với đó, trao giải Hội thi xây dựng công trình sạch, xanh, thân thiện môi trường dựa vào cộng đồng dân cư do Ủy ban MTTQVN TPHCM và Sở TN-MT TPHCM tổ chức.
Ngay sau lễ phát động, các đại biểu cũng đã tổ chức Lễ trồng cây tại Trường Trung học cơ sở Hồng Bàng và diễu hành tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tuyên truyền, nhận diện hành động, sản phẩm thân thiện môi trường cũng được tổ chức. Tại 55 quầy hàng thuộc 46 doanh nghiệp tham gia trưng bày đã giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ bền vững; du lịch bền vững....
Ban tổ chức đã triển lãm, giới thiệu các dự án, chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; các dự án, mô hình thí điểm về môi trường do các địa phương, đơn vị, các tổ chức thực hiện.
Về phía các quận, huyện đã tham gia tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn bằng cách thực hành các giải pháp tiêu dùng bền vững, lối sống thân thiện với môi trường như trao đổi đồ cũ, tái chế chất thải, các trò chơi tương tác theo các chủ đề sống xanh, đố vui và giải đáp thắc mắc về sống xanh…; tổ chức thu gom chất thải nguy hại, chất thải điện tử từ hộ gia đình, phân loại và thu gom các loại chất thải có thể tái chế; giới thiệu các công nghệ tái chế, xử lý ô nhiễm.