Phát biểu tại buổi tập huấn, bà Cao Thị Thiên Phúc, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” hướng đến mục tiêu nuôi dưỡng, ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên.
Trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) phát biểu tại hội nghị triển khai cuộc thi |
Theo đó, “khởi nghiệp” không nên hiểu với ý nghĩa quá rộng lớn mà quan trọng hơn hết là hình thành tư duy khởi nghiệp cho học sinh, giúp các em có tư duy phát triển từ những tài nguyên đang có để tạo ra những sản phẩm, dự án với kết quả cao hơn trong tương lai.
“Nhiều dự án khởi nghiệp của học sinh bắt đầu từ những sản phẩm đơn giản, gần gũi trong cuộc sống như bánh tráng trộn, sữa hạt, yaourt… Qua việc khởi nghiệp, các em được phát triển tư duy khởi nghiệp, vừa tạo ra sản phẩm chất lượng vừa được trau dồi về kiến thức, kỹ thuật”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, ông Nguyễn Kim Luyện, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” do Bộ GD-ĐT phát động tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.
Tham gia cuộc thi, học sinh, sinh viên trải qua 5 vòng thi gồm: Vòng cơ sở (tối đa 5 dự án/tỉnh, thành phố); vòng bán kết (chọn ra 30 dự án có tính khả thi cao nhất của học sinh); vòng đào tạo (các đội thi được đào tạo hoàn thiện dự án theo hình thức trực tiếp/trực tuyến); vòng bình chọn (lấy ý kiến cá nhân, nhà đầu tư trong và ngoài nước) và vòng chung kết (thuyết trình dự án trước ban giám khảo).
Đông đảo học sinh và giáo viên các trường THCS, THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn TPHCM tham gia Hội nghị triển khai và tập huấn cuộc thi |
Dự kiến, vòng chung kết sẽ diễn ra vào cuối tháng 3-2024 gồm 2 chặng thi trực tuyến (thuyết trình và chiếu clip) và trực tiếp (trả lời câu hỏi từ ban giám khảo).
Tại TPHCM, nhiều năm trở lại đây, Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích sự tham gia của học sinh các trường THCS và THPT.
Năm nay, học sinh có thể đăng ký tham gia dự thi ở các lĩnh vực gồm: công nghiệp, chế tạo sản phẩm; nông, lâm, ngư nghiệp; giáo dục, du lịch, dịch vụ, tài chính; y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ làm đẹp; kinh doanh tạo tác động xã hội.
Sản phẩm dự thi gồm bản thuyết minh dự án và video clip không quá 3 phút thuyết trình về dự án.
Tiêu chí chấm giải gồm: sự cần thiết, mức độ ứng dụng thực tế; tính khả thi, tiềm năng của dự án; tính mới lạ, độc đáo, sáng tạo; hình thức trình bày đúng quy định, ấn tượng; hồ sơ năng lực của đội ngũ sáng lập hoặc minh chứng thể hiện sức mạnh ý chí, khát vọng, ước mơ của đội ngũ.
Theo ông Nguyễn Kim Luyện hiện nay, học sinh THPT hạn chế vì chưa đào tạo bài bản kiến thức về marketing, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Do đó, các dự án khởi nghiệp đòi hỏi sự năng động, sáng tạo của học sinh và giáo viên các trường phổ thông, tham khảo thêm ý kiến từ các chuyên gia.
Tại TPHCM, Cuộc thi "Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" cấp thành phố năm học 2023-2024 được triển khai trên nền tảng online, các đội thi gửi bài qua trang web khoinghieptre.edu.vn. Các dự án trải qua 2 vòng thi sơ khảo và chung kết.
Tại vòng sơ khảo, mỗi cơ sở giáo dục gửi tối đa 3 bài/đơn vị dự thi. Thời hạn nhận bài thi trước 12 giờ ngày 16-11-2023. Ban giám khảo chọn ra 10 dự án có tính khả thi cao nhất để bước vào vòng chung kết.
Kết quả được thông báo trên website Sở GD-ĐT TPHCM trước 17 giờ ngày 21-11. Từ ngày 21 đến 25-11, các nhóm được vào vòng chung kết hoàn thiện bài thi trước khi báo cáo (thuyết trình) ở vòng chung kết. Dự kiến, vòng chung kết diễn ra vào ngày 28-11 tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng.
Các bài thi đạt giải 1, 2, 3 (hoặc các giải kế tiếp trong trường hợp các giải 1, 2, 3 không tham dự) được đại diện TPHCM tham dự cuộc thi toàn quốc do Bộ GD-ĐT tổ chức.