UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện đề án của Chính phủ về “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” (gọi tắt là Đề án 315) trên địa bàn TPHCM.
Kế hoạch nhằm thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ theo tiến độ đề ra tại Đề án 315, phù hợp với tình hình thực tiễn của TPHCM. Đồng thời, huy động các nguồn lực xã hội tham gia, hỗ trợ công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng xây dựng đội ngũ hòa giải viên có trình độ, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải đáp ứng yêu cầu của công tác hòa giải ở cơ sở trong giai đoạn mới.
Tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM và các tổ chức thành viên của MTTQ trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TPHCM.
Kế hoạch đặt yêu cầu bám sát quan điểm, mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án và tình hình thực tiễn của TPHCM, nhất là trong giai đoạn thành lập, chia tách, sáp nhập khu phố, ấp.
Đồng thời, xác định cụ thể nội dung công việc, tiến độ thực hiện, đảm bảo yêu cầu, chất lượng, không trùng lắp; phân công cụ thể trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp; bảo đảm khả thi, có trọng tâm, trọng điểm; sử dụng nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả.
Phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn TPHCM đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm của TPHCM và điểm của các địa phương, tỷ lệ này là trên 90%. Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất từ 2 đến 4 đơn vị cấp xã đạt yêu cầu của mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”, chiếm tỷ lệ từ 14% đến 28 % trở lên.
Sở Tư pháp TPHCM được giao chủ trì hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án của các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Công an TPHCM, Bộ Tư lệnh TPHCM, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TPHCM chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng công an, quân sự, biên phòng lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án này. Đồng thời, gắn thực hiện Đề án này với các đề án: "Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động quần chúng nhân dân chấp hành pháp luật tại cơ sở của lực lượng Công an nhân dân giai đoạn 2021-2027”; “Nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với vận động nhân dân giai đoạn 2021-2027”.
Bên cạnh đó, chỉ đạo công an các cấp, lực lượng quân đội nhân dân tích cực, chủ động phối hợp cơ quan Tư pháp cùng cấp tham gia làm tập huấn viên, hòa giải viên ở cơ sở, tư vấn, hỗ trợ tổ hòa giải ở cơ sở.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức được giao chủ động rà soát, lựa chọn một số xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn quản lý đáp ứng chỉ tiêu, tiêu chí, số lượng theo quy định để thực hiện các nội dung hoạt động chỉ đạo điểm của TPHCM và xây dựng mô hình “cấp xã điển hình về hòa giải ở cơ sở”.