Sáng 4-1, Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức buổi họp sơ kết học kỳ 1 năm học 2022-2023 bậc mầm non với sự tham dự của gần 200 cán bộ nhà giáo là lãnh đạo phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường mầm non trực thuộc trên địa bàn TPHCM.
Mở đầu buổi sơ kết, bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, tính đến tháng 1-2023, toàn thành phố có 226/1.309 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia (tăng 27 trường so với năm học 2021-2022), đạt tỷ lệ 17,3%.
Trong đó, công lập có 218/465 trường đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 46,9%) và ngoài công lập có 8/844 trường chuẩn quốc gia (tỷ lệ 0,95%).
“Hiện nay, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở khối ngoài công lập còn khá thấp. Tôi đề nghị các quận, huyện quan tâm duy trì chất lượng trường chuẩn quốc gia, đồng thời động viên, khuyến khích các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tham gia thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia”, bà Lương Thị Hồng Điệp bày tỏ.
Bà Lương Thị Hồng Điệp phát biểu tại buổi họp sơ kết |
Đánh giá về chất lượng hoạt động trong học kỳ 1, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) thông tin, các cơ sở giáo dục mầm non đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng các phần mềm trong quản lý, nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Việc thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, đề án phát triển giáo dục mầm non được các phòng GD-ĐT và trường học quan tâm, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện tại địa phương theo lộ trình.
Đặc biệt, trường học đã phối hợp với ngành y tế thực hiện tốt các biện pháp theo dõi, chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và suy dinh dưỡng, thừa cân, béo phì cho trẻ; thực hiện nghiêm túc quy định về công tác y tế trường học; đảm bảo 100% trẻ đến trường được kiểm tra sức khỏe và đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng biểu đồ tăng trưởng của Tổ chức Y tế Thế giới.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam đề nghị các trường mầm non tăng cường tổ chức hoạt động vận động cho trẻ, giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì |
Liên quan công tác bán trú, chất lượng bữa ăn của trẻ được bảo đảm tiêu chuẩn về dinh dưỡng. Trường học tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lý, 100% trường sử dụng phần mềm dinh dưỡng, đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Phòng Giáo dục mầm non cũng cho biết, công tác chuyển đổi số chưa thực hiện tốt tại một số cơ sở giáo dục mầm non độc lập do không có điều kiện đầu tư trang thiết bị.
Năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM đã xây dựng kế hoạch thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, thành phố đã triển khai thử nghiệm tại 6 cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn quận 7, quận 11 và huyện Cần Giờ.
Qua khảo sát, Vụ Giáo dục mầm non và Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá cao nỗ lực cố gắng tham gia thử nghiệm của TPHCM, đồng thời ghi nhận kết quả đang thực hiện và các khó khăn vướng mắc của các cơ sở giáo dục mầm non khi tham gia thử nghiệm.
Tới đây, trong học kỳ 2 năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non tăng cường công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối cho trẻ, đảm bảo tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.
Ngoài ra, bậc học tiếp tục giám sát việc thực hiện chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ mẫu giáo cũng như công tác quản lý, tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục mầm non, song song với các hoạt động tăng cường chuyển đổi số trong quản lý dinh dưỡng cho trẻ tại các trường mầm non.
Cô Trần Thị Ngọc Trâm, giáo viên Trường Mầm non 9 (quận 4) trong một hoạt động ngoài lớp học |
Tại buổi họp sơ kết, bà Lê Kim Liên, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 4 cho biết, hiện nay các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập thiếu nhân sự phụ trách công nghệ thông tin dẫn đến việc cập nhật cơ sở dữ liệu chưa đảm bảo quy định.
Ở góc độ khác, theo bà Mai Yến Hằng, Hiệu trưởng Trường Mầm non thành phố chia sẻ, để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, ban giám hiệu cần lắng nghe ý kiến của giáo viên, khuyến khích các ý tưởng sáng tạo “dù xuất phát điểm có thể bất khả thi”. Song song đó, giáo viên phải quan sát, lắng nghe, hiểu rõ nhu cầu của trẻ để tổ chức các hoạt động phù hợp.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao sự nỗ lực và sáng tạo của các nhà trường trong việc thực hiện các nhiệm vụ năm học.
“Bậc học mầm non kết thúc năm học 2021-2022 muộn hơn các bậc học khác nhưng các phòng GD-ĐT đã kịp thời chỉ đạo cơ sở giáo dục mầm non chuẩn bị tốt các điều kiện triển khai năm học 2022-2023. Đây là nỗ lực rất đáng ghi nhận”, ông Lê Hoài Nam cho biết.
Bên cạnh đó, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM đề nghị cơ sở giáo dục mầm non tăng cường tổ chức các hoạt động thể lực cho trẻ, góp phần giảm tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì.
Song song đó, cơ sở giáo dục tiếp tục triển khai phương pháp giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, bồi dưỡng nâng cao chuẩn trình độ giáo viên, nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia.
“Hiện nay, bậc tiểu học, THCS, THPT đã có quy định chuẩn trình độ tiếng Anh cho học sinh. Sở GD-ĐT TPHCM đang làm việc với các đối tác triển khai thí điểm chuẩn trình độ tiếng Anh cho trẻ mầm non, tập trung hai kỹ năng nghe và nói trên cơ sở không tạo áp lực cho trẻ, học theo phương pháp vừa học vừa chơi”, lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM thông tin.