Sáng 29-3, tham dự Hội nghị trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19 tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì; Tại điểm cầu TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM cùng các đồng chí trong Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM và đại diện các Sở, ngành, địa phương trên địa bàn.
Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "chống dịch như chống giặc", ngay từ trước Tết Nguyên đán, sau khi phát hiện 2 ca nhiễm Covid-19 là người Trung Quốc, TP đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó, bám sát tình hình, điều chỉnh thường xuyên, triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống dịch Covid-19.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM hàng ngày đều có cuộc họp giao ban vào lúc 16 giờ với các Sở, ngành, quận huyện. Riêng mỗi buổi chiều thứ hai, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM đều tham dự, cùng chủ trì với Ban Chỉ đạo.
Hiện TPHCM đang kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19. Tính đến sáng 29-3, trên địa bàn TP có 45 ca mắc, trong đó đã điều trị khỏi 3 trường hợp, dự kiến 7 ca xét nghiệm âm tính 3 lần sẽ sớm xuất viện.
Ngoài ra, có gần 10.000 trường hợp đang cách ly tập trung và gần 1.500 trường hợp cách ly tại nhà, bình quân 1 người nhiễm cách ly 170 người liên quan.
Phân tích yếu tố dịch tễ qua 45 ca mắc Covid-19 tại TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, 40% trường hợp quốc tịch nước ngoài và 60% quốc tịch Việt Nam; 69% trường hợp do lây nhiễm ở nước ngoài, 31% trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Trong đó, liên quan đến quán bar Buddha là 13 ca nhiễm (chiếm 29% tổng số ca nhiễm TPHCM).
Đối với ổ dịch này, TP đã điều tra dịch tễ, mở rộng trên toàn địa bàn TP và đã tiếp cận được 198 người mắc trực tiếp tại quán bar để cách ly và xét nghiệm (trong đó phát hiện 149 trường hợp âm tính lần 1).
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, TPHCM luôn chủ động xây dựng nhiều kịch bản ứng phó với các tình huống xảy ra, trong đó công tác thông tin, truyền truyền là giải pháp hàng đầu.
TP đã phát hành 5 triệu tờ rơi, 5 triệu cuốn cẩm nang “Hỏi đáp về phòng chống dịch Covid-19” có thêm bản tiếng Hoa, tiếng Anh, triển khai nhắn tin đến 12 triệu thuê bao của TP, ban hành 12 việc cần làm ngay trong 14 ngày vàng để phòng chống dịch Covid-19 và đã phát hành 5 triệu bản đến từng hộ gia đình bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3.
Đặc biệt, từ ngày 6-3 đến nay, TP chuyển từ họp giao ban định kỳ sang giao ban trực tuyến hàng ngày để kịp thời chỉ đạo. Duy trì nguyên tắc chống dịch, ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và nguyên tắc “5 tại chỗ” (lực lượng chống dịch tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; vật tư, trang thiết bị tại chỗ; thuốc men, sinh thiết tại chỗ và nhiệm vụ tại chỗ).
TP đã chủ động trang bị 10.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao, để sàng lọc số trường hợp nghi ngờ. Hiện nay đã xét nghiệm được gần 6.000 mẫu nghi ngờ mắc Covid-19. Trong tháng 4 và 5, TP sẽ mua thêm 110.000 bộ xét nghiệm để tăng cường kiểm soát người nghi ngờ mắc Covid-19.
Cùng với đó, TP cũng đã chuẩn bị 36 khu cách ly tập trung với quy mô 24.000 giường trong đó đã đưa vào sử dụng 12.000 giường và đang triển khai thêm 12.000 giường. TP cũng đã thiết lập hệ thống cơ sở điều trị chuyên sâu về Covid-19 với tổng quy mô 2.300 giường.
Ngoài ra, TP xác định 47 bệnh viện sẵn sàng tiếp nhận thu dung, điều trị các trường hợp mắc Covid-19 với quy mô 700 giường khi cần thiết có thể mở rộng quy mô đến 1.000 giường
Nhằm hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng và để đảm bảo sức khỏe, an toàn cho 60.000 sinh viên và 1,7 triệu học sinh các cấp trên địa bàn. TP đã cho toàn bộ học sinh, sinh viên và các cơ sở giáo dục nghỉ học từ 3-2 đến nay.
TP hạn chế tối đa các lễ hội, sự kiện hoạt động tập trung đông người đã yêu cầu tạm dừng các tụ điểm quán bar, massage, karaoke, vũ trường, sân khấu kể từ 18 giờ ngày 15-3 đến nay; tạm dừng hoạt động các khu vui chơi, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, phòng tập thể hình (gym), các cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn TP kể từ 18 giờ ngày 24-3 và từ 0 giờ ngày 28-3 đến 15-4.
TP thực hiện đóng cửa các cơ sở dịch vụ không cần thiết, trừ dịch vụ cung cấp thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, các cơ sở khám chữa bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ.
TP cũng chỉ đạo việc đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng tập trung đông người như siêu thị, sân bay, nhà ga, bến xe… đến từng người dân để đảm bảo sức khỏe cho họ và cộng đồng.
Bên cạnh đó, TP triển khai rà soát tất cả trường hợp người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đã nhập cảnh vào TPHCM từ ngày 8-3 để lấy mẫu xét nghiệm.
TP đã chỉ đạo cung ứng 7 triệu khẩu trang y tế, 40 triệu khẩu trang vải, đảm bảo không thiếu khẩu trang vải cho nhu cầu của người dân, khẩu trang y tế được tập trung dành cho đội ngũ cán bộ y tế.
Cùng với đó, ngày 27-3, HĐND TPHCM đã thông qua chế độ cho người phòng chống Covid-19 và hỗ trợ cho người bị tác động bởi dịch bệnh với tổng kinh phí hơn 2.700 tỷ đồng. Trong đó, sẽ chi hỗ trợ mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho gần 600.000 lao động bị mất việc do ảnh hưởng mà không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của nhà nước bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ.
Ngoài ra, bảo đảm cân đối nguồn hàng phòng chống dịch và phục vụ nhu cầu người dân; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm kích cầu kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh. Tập trung xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc về lao động; hỗ trợ người lao động bị thôi việc, mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
TP cũng sẽ điều chỉnh hệ số tính tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức năm 2020 nhằm chia sẻ khó khăn với đồng bào, chiến sĩ lực lượng vũ trang trong cuộc chiến chống dịch Covid -19.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chống dịch Covid-19, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải xem xét hạn chế tối đa các chuyến bay quốc nội đến và đi từ Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, chỉ xem xét cấp phép cho một số chuyến bay đến và đi thật sự cần thiết trong giai đoạn cao điểm hiện nay.
Đồng thời, hạn chế các hoạt động vận tải đường sắt chuyên chở hành khách tại Ga Sài Gòn.
Bên cạnh đó, để các địa phương có cơ sở thực hiện các chế độ chính sách đặc thù trong phòng chống dịch, TPHCM kiến nghị Chính Phủ sớm ban hành Nghị quyết về các chế độ chính sách đặc thù trong công tác phòng chống dịch Covid-19.
Hiện nay, dịch vụ “chia sẻ phòng lưu trú trên nền tảng Airbnb” thông qua các trang mạng, ứng dụng điện thoại đang diễn biến phức tạp, khó quản lý được người đến thuê mà phần lớn là người nước ngoài. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp tạm dừng hoặc hạn chế dịch vụ chia sẻ phòng trong thời điểm hiện nay.
Cùng với đó, TPHCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế yêu cầu Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, các hãng hàng không quốc tế, bố trí các tổ bay vào ở khu lưu trú tạm thời, tuân thủ đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không được ở các khu chung cư trong TP, không được ra khỏi vị trí lưu trú tạm thời trong thời gian lưu trú; thông báo địa điểm lưu trú cho Sở Y tế và chính quyền địa phương để giám sát.
“TPHCM cam kết sẽ nỗ lực hết mình, chung tay đoàn kết cùng cả nước chung tay khắc phục những tác động khó khăn cua dịch bệnh; phấn đấu ngăn chặn, xử lý tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn”- Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong khẳng định.