Chiều 31-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm. Chủ trì buổi họp báo có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê; Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải.
Mở đầu buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải cho biết, TP vừa ban hành kế hoạch tổ chức tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TPHCM với mục tiêu cơ bản hoàn thành tiêm vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên sinh sống trên địa bàn TP (khoảng 7,2 triệu người). Kế hoạch được chia làm 4 giai đoạn cụ thể với tổng số lượng vaccine cần sử dụng từ ngày 29-8 đến ngày 31-12 là khoảng 8.145.900 liều (trong đó, sử dụng cho mũi 1 là khoảng 1.400.000 liều, sử dụng cho mũi 2 là khoảng 6.745.900 liều).
“TP chỉ lên kế hoạch thống nhất chuẩn bị tốt nhất cho tiêm chủng, còn việc phân phối vaccine là của Bộ Y tế”, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM nhấn mạnh và khuyến cáo, nếu người dân tiêm mũi 1 vaccine nào thì mũi 2 sẽ tiêm vaccine tương thích. Không nên chờ đợi vaccine, hãy đi tiêm vaccine sẵn có, bởi vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất. Tiêm vaccine là quyền lợi và nghĩa vụ vì được bảo vệ tính mạng cho bản thân, gia đình và nghĩa vụ cộng đồng. Vì vậy người dân phải có trách nhiệm đi tiêm để giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh và đạt được miễn dịch cộng đồng.
Thông tin về tình hình dịch bệnh, Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, tính đến 18 giờ 30-8, TP ghi nhận 216.314 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 215.869 trường hợp mắc trong cộng đồng, 445 trường hợp nhập cảnh. Hiện TPHCM đang điều trị 40.561 bệnh nhân, trong đó có 2.463 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.752 bệnh nhân nặng đang thở máy và 18 bệnh nhân can thiệp ECMO.
Trong ngày 30-8, có 2.752 bệnh nhân xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1-1 đến 30-8 là 110.269 người), 335 trường hợp tử vong trong ngày (tổng số tử vong cộng dồn từ 1-1 đến nay là 9.204 người).
Theo Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải, mục tiêu của TP về kiểm soát dịch đến 31-8 đã cơ bản đạt được.
Trả lời câu hỏi đến 15-9, TPHCM giãn cách như thế nào? Phó Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TPHCM cho biết, chúng ta không thể giãn cách mãi như Chỉ thị 16, nhưng nới lỏng hay không phải có điều kiện và một trong các điều kiện đó là tiêm vaccine. “Đến giờ chưa thể nói ngày 6-9 hay ngày 15-9 sẽ như thế nào, mà phải tập trung vào tiêm vaccine, gói an sinh, thực hiện chính sách chăm sóc cho các hộ khó khăn, tăng tốc xét nghiệm, chăm sóc F0 tại nhà”, Phó Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải thông tin.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TPHCM cho biết, mật độ lưu thông trong những ngày gần đây tương đối ổn định, không ùn tắc ở các chốt chặn kiểm soát.
Liên quan đến việc yêu cầu người dân khai báo QR code khi qua các chốt chặn của TP, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết: “Nhờ quét QR code khai báo qua trạm, Công an TP đã phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường qua các chốt, phát hiện 2 vụ làm giả giấy đi đường của lực lượng công an tại quận 10 và quận 12. Hiện Công an TP đang làm rõ và xử lý theo quy định”.
Đối với phầm mềm khai báo y tế QR code, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, tất cả trường hợp lưu thông trên đường nên khai báo trước y tế khi di chuyển và lưu mã QR code và trình báo để qua chốt, giảm ùn tắc. Công an TP phối hợp cùng Sở Y tế cùng các cơ quan nghiệp vụ Bộ Công an để cập nhật F0 hàng ngày vào cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư của TP, do vậy những trường hợp F0 ở cộng đồng nếu di chuyển sẽ được phát hiện ngay.
Trả lời phản ánh của báo chí về cán bộ công an cầm điện thoại của người dân để quét QR code có an toàn hay không, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết cán bộ công an đa số được tiêm 2 mũi vaccine và xét nghiệm hàng tuần, nguy cơ lây nhiễm từ công an khi thực hiện kiểm soát cũng ít. “Tuy nhiên, động tác cầm điện thoại của người dân quét mã, cũng tiềm ẩn nguy cơ, chúng tôi sẽ lưu ý. Do đó, chỉ cần người dân giơ điện thoại là được. Hiện Công an TP đang chuẩn bị triển khai việc quét QR trên camera tại các chốt, người dân chỉ cần đưa mã trên điện thoại qua camera", Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin thêm.
Lực lượng chức năng mặc đồng phục, trang phục ngành, quần áo nhận diện để lưu thông qua chốt vẫn phải khai báo QR code để kiểm soát. Trang phục nhận diện giúp người dân nhận diện lực lượng nào đang di chuyển trên đường, để người dân hiểu việc chấp hành ra đường là để làm nhiệm vụ. Việc di chuyển đúng mục đích thật sự cần thiết, vì mục tiêu công vụ, giúp kiểm soát dịch bệnh nhanh hơn”.
Shipper được đi chợ giúp
Thông tin tại buổi họp báo, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến ngày 31-8, TP có 59.093 trường hợp F0 cách ly tại nhà. Đây là nhóm không bệnh nền, không yếu tố nguy cơ, đủ điều kiện cách ly tại nhà. Sở Y tế giao nhiệm vụ cho 312 trạm y tế phường xã, 414 trạm y tế lưu động để theo dõi F0 tại nhà.
Ngoài ra, 64.000 túi thuốc chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà gồm túi A và B cũng đã được cấp phát. TPHCM đang điều trị tại bệnh viện cho 158.265 trường hợp, tuy nhiên nếu tính thêm lượng F0 tại nhà, tỷ lệ tử vong cộng dồn là 4,2%. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tùy giai đoạn tỷ lệ tử vong dao động từ 2,1 đến 4,4%. Tỷ lệ tử vong của TPHCM ở trong mức khuyến cáo nhưng vẫn ở giới hạn cao, ngành y tế TPHCM đang cố gắng mọi cách làm giảm tỷ lệ này.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, ngành y tế TPHCM nhận định, có thể trong vài ngày tới và cả tuần lễ tới số ca tử vong mới có hy vong cải thiện và giảm nếu chúng ta ngăn ngừa được sự xuất hiện các ca mới. TPHCM hiện có 9.336 trường hợp nặng và hồi sức. Cụ thể có 1.035 trường hợp thở máy xâm lấn, 18 trường hợp can thiệp ECMO.
“Khi số ca mắc mới cùng lúc càng nhiều thì số ca nặng cần hồi sức cũng nhiều, ảnh hưởng chất lượng điều trị của hệ thống, tỷ lệ tử vong tăng lên. Do đó, quan trọng nhất, là không để số ca mắc mới tăng cao, bằng việc tiêm vaccine và giãn cách nghiêm túc thì mới có cơ hội kiểm soát”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu nhận định và cho biết thêm, ngành y tế TPHCM cũng đang nâng cao năng lực điều trị cho tầng 2 và 3. Hiện vẫn đang mở thêm các trung tâm hồi sức của các bệnh viện Trung ương, bệnh viện bộ ngành để kéo giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19.
Thông tin về shipper có đi chợ được hay không, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, TPHCM đang thực hiện giãn cách triệt để nên người dân không đi ra ngoài mà được đi chợ giúp. Sau thời gian thực hiện, nhận thấy shipper là lực lượng chuyên nghiệp trong vận chuyển hàng hóa mà chưa được tận dụng là rất lãng phí. Nếu sử dụng sẽ giảm áp lực cho nhà nước và các bộ phận đi chợ giúp, tăng thêm thu nhập cho shiper nên TPHCM đã đồng ý triển khai.
“Sở công thương đã giới thiệu kết nối với đơn vị quản lý các shipper, thông tin đến các địa phương để cân nhắc, điều phối hỗ trợ, khai thác hỗ trợ vân chuyển, phụ thuộc từng địa phương tổ chức thực hiện mua và vận chuyển hàng hóa, đặc biệt "vùng xanh" có thể tổ chức hiệu quả. Còn trường hợp shipper có được đưa hàng đến tận nhà người dân không, thì tùy thuộc tình hình từng địa phương tính toán”, ông Nguyễn Nguyên Phương nói.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình phát biểu tại họp báo Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho biết, trong cuộc chiến chống Covid-19, bên cạnh 5K và nhiều biện pháp khác thì vaccine là vũ khí chiến lược. Hiện nay trên thế giới, vaccine cũng đang rơi vào trạng thái khan hiếm, tốc độ sản xuất vaccine không theo kịp nhu cầu, bởi trong bối cảnh bình thường đã khan hiếm rồi, nhưng từ khi có biến thể Delta thì nhu cầu vacicne càng tăng mạnh hơn nữa. “Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng đang triển khai, nỗ lực rất lớn để có vaccine về phục vụ nhân dân. Vaccine là rất quý, là vũ khí chiến lược, tiêm vaccine là quyền lợi và nghĩa vụ. Để có được vaccine rất khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã nỗ lực hết sức mình để có được vaccine về phục vụ cho người dân”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình nhấn mạnh |