Theo đó, TP phấn đấu đạt tỷ lệ tăng dân số (chung, tự nhiên) là 1,14%; duy trì tỷ số giới tính khi sinh từ 103 đến 107 bé trai/100 bé gái (mức tăng tỷ số giới tính khi sinh không quá 0,4%); 80% bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh.
80% trẻ sinh ra được sàng lọc sơ sinh; tăng 10% so với năm 2019 tỷ lệ người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm; 445.730 người mới sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại.
Bên cạnh đó, TPHCM cũng phấn đấu 90% tỷ lệ thanh niên nam, nữ chuẩn bị kết hôn được truyền thông - tư vấn về nội dung sức khỏe tiền hôn nhân; tăng 10% so với năm 2019 tỷ lệ cặp nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.
Quản lý, cập nhật 100% số bà mẹ mang thai, số trẻ sơ sinh sống thực tế cư trú tại địa bàn.
Trên cơ sở chỉ tiêu đặt ra, kế hoạch tập trung vào 8 nội dung quan trọng. Trong đó, tăng cường tuyên truyền vận động người dân thực hiện thông điệp “mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con”.
Cung cấp đầy đủ, kịp thời các phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình an toàn, hiệu quả, đa dạng, thuận tiện với chất lượng ngày càng tốt hơn.
Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên.
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các cặp nam, nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn.
Cùng với đó, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dân số; Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển.
TP cũng sẽ triển khai thực hiện chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, chương trình truyền thông dân số và phát triển. Tổ chức bộ máy, thực hiện chính sách, đào tạo, tập huấn, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện chương trình và thông tin số liệu, cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành dân số.