Thực tế này đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức cho công tác xử lý và đảm bảo an toàn chất lượng môi trường sống cho người dân thành phố.
Áp lực với lượng chất thải phát sinh nhanh
Phân tích về áp lực gia tăng tỷ lệ chất thải nói chung tại TPHCM, nhiều chuyên gia môi trường nhận định, lượng chất thải trên địa bàn thành phố sẽ tăng rất nhanh trong thời gian tới. Nguyên do là thành phố đang có dân số đông với hơn 10 triệu người. Mặt khác, mỗi năm, ngoài lượng dân số phát sinh tự nhiên, thành phố còn tiếp nhận thêm 200.000 người dân di cư từ các tỉnh thành, quốc gia khác đến làm ăn, sinh sống. Còn về hoạt động sản xuất đầu tư, thành phố đang có khoảng hơn 300.000 doanh nghiệp sản xuất và kết nạp thêm hàng chục ngàn doanh nghiệp khác mỗi năm. Chưa kể, thành phố đang dẫn đầu cả nước về mật độ xây dựng chung cư, trung tâm thương mại, căn hộ, nhà ở… với gần 2.000 chung cư, trung tâm thương mại hiện hữu và vài trăm dự án bổ sung thêm hàng năm.
Theo thống kê từ Sở TN-MT TPHCM, chỉ tính từ năm 2017 đến nay lượng rác thải sinh hoạt đã tăng từ 7.000 tấn/ngày lên gần 10.000 tấn/ngày. Còn rác thải công nghiệp cũng tăng từ 1.000 tấn/ngày lên 2.500 tấn/ngày. Riêng rác thải xây dựng đã tăng từ 500 tấn/ngày lên 1.500 tấn/ngày… Đó là chưa kể lượng rác thải bị đổ bỏ lén lút ra môi trường chưa kiểm soát được. Dựa trên cơ sở này đủ để thấy lượng rác thải nói chung của thành phố đều có mức tăng trên 15%. Và điều này sẽ là áp lực rất lớn đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải của thành phố, nhất là trong bối cảnh công nghệ xử lý rác thải chủ yếu của thành phố là chôn lấp hợp vệ sinh.
Trên thực tế, tình trạng phát sinh mùi hôi tại khu vực chôn lấp rác thải lớn nhất thành phố là bãi chôn lấp rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam đầu tư và vận hành ngày càng diễn biến phức tạp. Mặc dù lãnh đạo UBND TPHCM, Sở TN-MT TPHCM đã yêu cầu đơn vị này gia tăng hoạt động kiểm soát mùi hôi phát sinh, như phun xịt chất khử mùi, khu trú khu vực tiếp nhận rác, tăng cường quạt phun hơi nước… Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM, công nghệ chôn lấp dù hợp vệ sinh vẫn không thể tránh khỏi nguy cơ phát sinh mùi hôi. Sở cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh về sự suy giảm chất lượng môi trường sống, nhất là dân cư khu phía Nam thành phố.
Tạo lợi kép cho nhà máy xử lý rác thải
Theo PGS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường, hình thức xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải có thể áp dụng cho xử lý nước thải, bùn thải, rác thải… Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng cần xác định và ban hành đơn giá phù hợp cho từng loại chất thải phải xử lý. Riêng với rác thải sinh hoạt, hiện cơ bản đã có đơn giá và nhiều doanh nghiệp tham gia xử lý chất thải đã và đang hoạt động. Tuy nhiên, vẫn còn lượng lớn chất thải được xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Do vậy, song song với giải pháp thu hút nhà đầu tư mới tham gia vào lĩnh vực này, thì cũng cần yêu cầu các đơn vị đang vận hành phải chuyển đổi công nghệ xử lý theo hướng hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững mới của thành phố.
PGS Phùng Chí Sỹ, Viện Kỹ thuật nhiệt đới và Bảo vệ môi trường cho rằng, xã hội hóa đầu tư hạ tầng xử lý chất thải là giải pháp hiệu quả nhất để thành phố bắt nhịp với sự gia tăng nhanh chóng lượng rác thải phát sinh hiện nay. |
Trong bối cảnh đó, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan gấp rút chuyển hướng chính sách thu hút đầu tư xử lý chất thải rắn. Theo đó, ưu tiên thực hiện xã hội hóa đầu tư và ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ xử lý hiện đại. Đến nay, thành phố đã cấp phép đầu tư và đã khởi công xây dựng 3 nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt công nghệ đốt rác phát điện. Cụ thể, Công ty CP Vietstar (đang xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ ủ khí, tái chế rác thành phân compost), Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa (đang xử lý rác bằng phương pháp đốt) đã chuyển đổi công nghệ xử lý bằng việc khởi công xây dựng nhà máy xử rác thải sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện 2.000 tấn/ngày. Riêng nhà máy xử lý và tái chế chất thải công nghiệp - chất thải nguy hại công suất 500 tấn/ngày cũng vừa được Công ty CP Kho vận giao nhận ngoại thương Mộc An Châu khởi công vào tháng 12-2019. Ngoài ra, trong năm 202, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, Công ty Tasco… cũng được kỳ vọng sẽ có nhiều đầu tư, chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải nhằm bắt kịp xu hướng phát triển bền vững của thành phố.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư - Phát triển Tâm Sinh Nghĩa khẳng định, với việc đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng để chuyển đổi công nghệ xử lý rác thải sang đốt phát điện, doanh nghiệp sẽ đạt được lợi nhuận kép. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ thu được chi phí từ xử lý rác, vừa bán được điện sạch với giá trên dưới 9 cent/kWh. Ở góc độ chất lượng môi trường, công nghệ xử lý rác hiện đại trên sẽ giúp giảm áp lực về quỹ đất của thành phố phải dành cho xử lý rác thải. Mặt khác, giảm thiểu hiệu quả nguy cơ ô nhiễm thứ phát từ nước rỉ rác, mùi hôi do hoạt động chôn lấp rác gây ra. Về lâu dài, tránh cho thành phố bị ảnh hưởng mỹ quan do tồn tại nhiều “núi rác” ô nhiễm môi trường.
Một vấn đề được giới chuyên gia môi trường đặt ra là việc kiểm soát chặt khí thải của các nhà máy đốt rác phát điện để tránh những nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân thành phố. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, những công nghệ mà các doanh nghiệp xử lý rác đang chuyển đổi và đưa vào đầu tư là công nghệ của Đức. Theo đó, khâu an toàn về khí thải được thắt chặt tối đa. Về phía sở đã có phương án tăng cường kiểm tra cũng như hậu kiểm chặt chẽ, chế tài nghiêm khắc những trường hợp không tuân thủ tiêu chuẩn an toàn môi trường. Có thể thấy, với việc đưa vào khởi công hàng loạt nhà máy xử lý rác thải hiện đại, thành phố sẽ nắm chắc mục tiêu giảm thiểu 50% lượng rác thải phải chôn lấp trong năm 2020, từng bước góp phần cải thiện môi trường sống cho người dân thành phố.