TPHCM: Nhiều thách thức trong phòng chống HIV/AIDS

Trong bối cảnh nguồn lực tài trợ bị cắt giảm, việc giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với TPHCM.

Sáng 3-12, Sở Y tế TPHCM tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023 và Ngày Thế giới phòng chống AIDS (1-12).

Phát biểu tại buổi hưởng ứng, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong 33 năm qua, tính từ trường hợp nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam được phát hiện tại TPHCM vào tháng 12-1990, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều nội dung, hình thức, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, thành phố đã nỗ lực kết hợp triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp về xã hội và chuyên môn kỹ thuật y tế trong hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

z4938103087597-fe0511baecc650268642de7aaf7f7ece-8169.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại lễ mitting

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV được triển khai rộng rãi; truyền thông thay đổi hành vi, giảm kỳ thị, phân biệt đối xử. Bên cạnh đó, mở rộng và đa dạng hóa các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV tại các cơ sở y tế, tại cộng đồng, tự xét nghiệm; mở rộng, nâng cao và đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS; triển khai khám, điều trị HIV/AIDS qua bảo hiểm y tế, hệ thống y tế tư nhân… Nhờ đó, tình hình dịch HIV/AIDS trên địa bàn thành phố từng bước được kiểm soát, số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hàng năm liên tục giảm.

“Tính đến cuối tháng 9-2023, thành phố có 51.547 người nhiễm HIV đang được quản lý, trong đó có 47.634 người đang được điều trị thuốc kháng virus (ARV)”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức thông tin, đồng thời cho biết, đối với mục tiêu 95 thứ nhất (95% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình), hiện thành phố đã đạt được 93%; đối với mục tiêu 95 thứ hai (95% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV) đã đạt được 92,4%; đối với mục tiêu 95 thứ ba (95% người điều trị bằng thuốc ARV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế) đã đạt được 98,4%.

“Các cấp lãnh đạo phải tích cực hơn nữa trong chỉ đạo, hướng dẫn và thực hiện các cam kết hành động phòng chống HIV/AIDS; phải xây dựng được ý thức phòng, chống của cả cộng đồng thì mới có thể góp phần đẩy lùi dịch HIV/AIDS”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, hiện tình hình dịch HIV/AIDS vẫn diễn biến phức tạp và là vấn đề sức khỏe cộng đồng đáng quan tâm. Trong bối cảnh nguồn lực quốc tế tài trợ đang cắt giảm thì việc giữ vững thành quả phòng chống HIV/AIDS trong những năm qua, cũng như hoàn thành mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025 hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là một thách thức lớn đối với TPHCM.

z4938103140227-98f1d737097ab53d530edb07156f67cb-7326.jpg
Ngay sau lễ phát động, đoàn mô tô và xe loa đã diễu hành các quận, huyện, TP Thủ Đức, nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2023

Thành phố luôn xác định công tác phòng, chống HIV/AIDS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và là một trong những chỉ tiêu quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của địa phương; đồng thời, thực hiện cam kết của các cấp chính quyền qua việc đầu tư ngân sách ngày càng nhiều cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

“Hiện UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch thực hiện Đề án đảm bảo tài chính thực hiện chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn thành phố, bảo đảm đầu tư các nguồn lực cho phòng chống HIV/AIDS phù hợp với diễn biến tình hình dịch HIV/AIDS”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức khẳng định.

Đồng thời, kêu gọi toàn thể cộng đồng, xã hội hưởng ứng và chủ động tham gia tích cực các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại TPHCM, tăng cường hơn nữa sự tham gia của hệ thống y tế, bao gồm y tế công và tư từ tuyến thành phố, quận, huyện, đến phường xã, trong mở rộng điều trị ARV, để đảm bảo bệnh nhân HIV/AIDS được điều trị liên tục.

Tin cùng chuyên mục