Theo Công an TPHCM, qua rà soát đến tháng 10-2024, Thành phố có 11 Hội sở ngân hàng và 1.913 chi nhánh, điểm giao dịch đang hoạt động. Các nơi này luôn có tài sản và tiền mặt lớn ở các quầy để khách hàng giao dịch nên cũng trở thành mục tiêu cho tội phạm nhắm tới.
Qua phân tích các vụ án cướp ngân hàng, công an xác định trước khi gây án, đối tượng khảo sát, nghiên cứu địa hình, quy luật hoạt động nơi cất giấu tài sản, hướng tẩu thoát; chuẩn bị công cụ, phương tiện, vũ khí. Khi gây án, đối tượng đe dọa hoặc dùng vũ khí, công cụ hỗ trợ, súng giả khống chế bảo vệ, uy hiếp nhân viên...
Phần lớn các vụ cướp xảy ra vào lúc khách ở phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng ít; bảo vệ mất cảnh giác, sơ hở để tội phạm lợi dụng hoạt động.
Một trong những yếu tố tích cực là đến nay, TPHCM có 16 ngân hàng với 449 chi nhánh, phòng giao dịch triển khai, áp dụng giải pháp “Hệ thống báo động cảnh báo khẩn cấp, được truyền dẫn tín hiệu báo động đến cơ quan Công an”; các ngân hàng phối hợp thiết lập, cài đặt kết nối hệ thống báo động đến công an xã, phường, thị trấn; bố trí ít nhất từ 2 nhân viên bảo vệ trở lên ở ngân hàng.
Đồng thời, các ngân hàng cũng đã bố trí và lắp đặt hệ thống báo động bí mật ở khu vực quầy giao dịch, khu vực kho quỹ. Hệ thống này kết nối trực tiếp với công an phường và được kết nối với Hội sở chính tại TPHCM.
Đáng chú ý, có nhiều ngân hàng đã lắp đặt hệ thống camera thông minh nhận diện khuôn mặt, để quan sát người ra vào.
Các camera này có thể nhận diện được người cần cảnh báo trong danh sách được ngân hàng cập nhật bằng hình ảnh của đối tượng truy nã, truy tìm, đối tượng nghi vấn hoạt động trộm cắp, cướp... do công an cung cấp. Khi phát hiện đối tượng này, hệ thống sẽ phát loa hoặc khi nhắc khách phải bỏ khẩu trang, mũ bảo hiểm trước khi giao dịch.
Đồng thời, khi phát hiện đối tượng, hệ thống sẽ thông báo lên loa, gửi tin nhắn cho quản lý và điều khiển thiết bị đóng mở cửa ngân hàng. Hệ thống camera còn nhận diện tín hiệu cầu cứu như: giơ 2 tay; nằm xuống; người cầm súng, dao…