Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận 1, cho biết với đặc thù của một quận ở trung tâm thành phố, công tác phân luồng học sinh gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người dân còn xem thường việc học nghề, trung cấp chuyên nghiệp... Đa phần phụ huynh muốn con em phải vào đại học hoặc cao Đẳng.
"Nhiều cha mẹ học sinh cho rằng độ tuổi sau THCS là lứa tuổi chưa trưởng thành nên chưa muốn cho con em đi học nghề. Một số khác lại cho rằng do các trường nghề giáo trình đào tạo còn lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu của xã hội đang cần, học sinh học nghề sau khi ra trường khó tìm được việc làm", đại diện Phòng GD-ĐT quận 1 nêu thực tế.
Bên cạnh đó, hệ thống các trường THPT công lập, ngoài công lập và giáo dục thường xuyên trên địa bàn nhiều nên phụ huynh học sinh không mặn mà với các trường nghề, có khuynh hướng cho con đi du học hoặc chuyển sang hệ thống trường quốc tế.
Để thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng, quận 1 tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân. Trong đó, công tác phân luồng phải được kết hợp giữa các lực lượng gồm nhà trường, gia đình, xã hội, doanh nghiệp, chính quyền và đoàn thể.
Hàng năm, Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận 1, UBND 10 phường thống kê, theo dõi học sinh lớp 9 không tiếp tục học THPT để vận động, định hướng, tư vấn cho các em và gia đình tham gia học tập nhằm nâng cao tỷ lệ lao động trên địa bàn quận.
Các cơ sở giáo dục thường xuyên tổ chức tư vấn tâm lý, tư vấn giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trước, trong và sau kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT; tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS ngay từ lớp 8 nhằm giúp cho học sinh có thể phân biệt, xác định sở trường, sở thích của bản thân để hướng đến nghề nghiệp trong tương lai, qua đó giúp học sinh nhận thức sớm về nghề nghiệp của bản thân để lựa chọn phương hướng học tập và lựa chọn lộ trình học tập sau khi tốt nghiệp THCS.
Qua thực tế triển khai, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh đề xuất tùy vùng miền và đặc thù của địa phương để áp chỉ tiêu phân luồng.
Ngoài ra, cần nâng cấp, thay đổi giáo trình giảng dạy tại các trường nghề và cao đẳng dạy nghề theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; ưu tiên đầu tư các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao, đặc biệt là cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trọng điểm, nghề kỹ thuật cao.
Đặc biệt, cần có thêm chế độ ưu đãi cho học sinh tham gia phân luồng như một chính sách xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, sự tham gia tích cực và đồng bộ giữa các bên liên quan quyết định thành công của chương trình hợp tác về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh.
Trong đó, từng nhà giáo, cán bộ quản lý và lãnh đạo đơn vị sử dụng lao động hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc định hình tương lai nguồn nhân lực của TPHCM nói riêng, cả nước nói chung.
Cá nhân, đơn vị cần đặt sự nhiệt huyết, đổi mới sáng tạo làm trọng tâm, tinh thần chủ động học tập và chia sẻ tri thức làm cốt lõi của quá trình triển khai tổ chức, đặt người học ở vị trí trung tâm để xác định các giải pháp và chính sách phù hợp.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM -Trần Thị Diệu Thúy, cho rằng đầu tư đào tạo nghề cho học sinh có ý nghĩa quan trọng vì góp phần quyết định chất lượng nguồn nhân lực tương lai của thành phố.
Để thực hiện hiệu quả chính sách phân luồng, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy đề nghị các cơ sở giáo dục tập trung công tác tuyên truyền hướng nghiệp cho giáo viên, phụ huynh về đào tạo nghề và lựa chọn nghề phù hợp hoàn cảnh, điều kiện thực tế của học sinh.
“Cơ sở giáo dục cần tạo điều kiện, cơ hội bình đẳng cho các trường nghề tham gia hướng nghiệp cho học sinh phổ thông. Mặc khác, cần có chế độ hỗ trợ giáo viên làm công tác hướng nghiệp”, Phó chủ tịch UBND TPHCM đề xuất.
Bên cạnh đó, bản thân các trường nghề phải nâng cao chất lượng đào tạo, bổ sung máy móc, trang thiết bị hiện đại để tăng sức thu hút cho người học. Trong quá trình đào tạo, việc nâng cao trình độ, tay nghề, kỹ năng làm việc cho người lao động cần được quan tâm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.
Riêng 2 sở ngành liên quan là Sở GD-ĐT và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị cần tham mưu, đề xuất thêm các mô hình đào tạo nghề tiên tiến, có chất lượng; đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng giáo viên để đạt hiệu quả cao trong đào tạo.
Đặc biệt, công tác dự báo thị trường lao động cần thực hiện thường xuyên, liên tục.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, việc ký kết chương trình phối hợp nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM giai đoạn 2020-2025.
Trong đó, một số nội dung trọng tâm gồm: tổ chức các hoạt động thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học và giáo dục nghề nghiệp; trao đổi thông tin định kỳ 3 tháng/lần; tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; hỗ trợ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trên địa bàn.
Qua 1 năm triển khai chương trình phối hợp, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS nhập học các trình độ giáo dục nghề nghiệp trên toàn thành phố bình quân đạt hơn 26%/năm.
Kết quả nói trên dự báo nhiều thách thức đối với 2 ngành trong việc thực hiện Đề án phân luồng học sinh theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ đó đòi hỏi sự vào cuộc, chung tay tích cực hơn của các cơ quan, đơn vị, và chính quyền địa phương các cấp.
Vừa qua, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở LĐTB-XH tổ chức kiểm tra, hướng dẫn công tác đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Sở LĐTB-XH đã chỉ đạo các trường cao đẳng, trung cấp phối hợp với Ban Chỉ đạo Phổ cập giáo dục, xóa mù chữ của TP Thủ Đức và các quận huyện thực hiện công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tại địa phương; đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố thực hiện báo cáo về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trình độ quốc tế theo phân công nhiệm vụ tại Đề án tổng thể đào tạo nhân lực trình độ quốc tế.
Về phía Sở GD-ĐT, giai đoạn 2026–2030, 8 cơ sở giáo dục nghề nghiệp do Sở GD-ĐT quản lý đã lập đề xuất đầu tư công với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.969 tỷ đồng, chiếm 55,8% trong tổng số dự án đầu tư công trung hạn thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của thành phố.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được sau 1 năm phối hợp, Sở GD-ĐT tiếp tục ký kết quy chế phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội. Kế hoạch phối hợp gồm các nội dung cụ thể như: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các cơ sở giáo dục tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật; thực hiện thống kê, phân tích, đánh giá tình hình hoạt động của cơ sở giáo dục; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật của các cơ sở giáo dục và phối hợp đề xuất xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy định pháp luật.
Song song đó, hai ngành phối hợp tổ chức các hoạt động để thực hiện hiệu quả công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp; thực hiện định kỳ 6 tháng/lần trao đổi thông tin; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức đào tạo kiến thức văn hóa THPT tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, hai ngành phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy, mại dâm và mua bán người trong các trường học cho học sinh; giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ đối với người có công và người thân có công; tăng cường công tác truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng chống tai nạn thương tích trẻ em, giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước...
Ngoài quy chế phối hợp với Sở GD-ĐT, dịp này, Sở LĐTB-XH cũng ký kết kế hoạch phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM về thực hiện các nội dung theo Quyết định số 2673/QĐ-UBND (ngày 29-6-2023) của UBND TPHCM giai đoạn 2024-2030.
Kế hoạch phối hợp gồm 3 nội dung chính.
Thứ nhất, thu thập và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đối với nhu cầu tuyển dụng lao động, nhu cầu việc làm, khả năng cung ứng nguồn nhân lực sau đào tạo của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố theo từng lĩnh vực hoặc nhóm ngành, nghề đào tạo trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội thành phố trung và dài hạn; dự đoán các ngành, nghề mới có tiềm năng phát triển tại TPHCM, khuyến nghị các kỹ năng cần bổ sung cho người lao động.
Thứ hai, tổ chức đầu tư hạ tầng số, thiết bị thực tập số, phòng thí nghiệm, xưởng thực hành ảo, phòng học thông minh, các thiết bị phát triển học liệu số phục vụ.
Thứ ba, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn thành phố các kỹ năng nghề mới, các công nghệ sản xuất hiện đại và các chương trình đào tạo được biên soạn mới theo nhu cầu chất lượng nguồn nhân lực thị trường lao động.