Chiều 31-8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TPHCM tổ chức họp giao ban phòng chống dịch và tình hình triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn thành phố. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chủ trì cuộc họp.
Tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở các nhóm
Báo cáo tại cuộc họp, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần qua số ca mắc Covid-19 tăng nhẹ (khoảng 160 ca/ngày). Số ca đang điều trị tại bệnh viện có sự gia tăng với 74 ca/ngày. Hiện có 13 ca thở máy, 1 ca lọc máu.
Trong 4 tuần qua, biến chủng BA.5 chiếm ưu thế, hiện TPHCM chưa phát hiện biến thể BA2.74. Đối với dịch sốt xuất huyết, trong 2 tuần gần đây, số ca mắc mới có xu hướng giảm, nhưng số ca điều trị tại các bệnh viện vẫn đang ở mức cao. Tính đến ngày 30-8, số ca điều trị tại bệnh viện là 1.485 ca, trong đó bệnh viện thành phố 1.086 ca.
Đối với công tác tiêm chủng, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng cho biết, tỷ lệ tiêm vaccine thấp ở các nhóm. Quận huyện có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 1 cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi thấp và tiến độ chậm là quận 7, 3, 1, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Thạnh và huyện Bình Chánh. Huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi có tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (82,9%).
Quận huyện có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ 5 đến 11 tuổi thấp và chậm là: quận 1, 7, 3, 8, Tân Bình, Bình Thạnh, Nhà Bè. Huyện Cần Giờ là địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 2 cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi cao hơn tỷ lệ chung cả nước (53,5%).
Quận huyện có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 cho trẻ 12 đến 17 tuổi thấp và chậm là: quận 1, 5, 3, 8, Bình Tân, Gò Vấp, huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Huyện Cần Giờ và Củ Chi đạt tỷ lệ cao hơn tỷ lệ chung cả nước với hơn 50.9%.
Đối với tiêm chủng mở rộng, TPHCM mới chỉ đạt 76,6% so với kế hoạch, thiếu 18,4% so với chỉ tiêu cần đạt 95%. Tất cả các quận huyện, TP Thủ Đức không đạt chỉ tiêu; nhiều quận huyện có tỷ lệ tiêm thấp dưới 75% như: quận 5, Bình Thạnh, 12, 10, Phú Nhuận, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh.
Trước thực trạng này, ngành y tế yêu cầu các đơn vị đẩy mạnh công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 cho mọi lứa tuổi; UBND quận huyện, TP Thủ Đức và các sở ngành tiếp tục tăng cường giám sát chất lượng và đánh giá hiệu quả các hoạt động triệt nơi sinh sản của muỗi; đồng thời thực hiện song song 2 hoạt động tiêm chủng mở rộng và tiêm vaccine Covid-19.
Thông tin về tình hình triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, tình hình giải ngân của các đơn vị hiện nay đạt 76,77%. Đã có 15/22 quận huyện, TP Thủ Đức hoàn tất thẩm định phê duyệt; 5/22 quận huyện, TP Thủ Đức đã chi xong hỗ trợ là quận 5, 11, 12, huyện Cần Giờ, Hóc Môn.
Lý giải về việc nhiều địa phương thực hiện giải ngân chậm, ông Nguyễn Văn Lâm cho rằng, nhiều doanh nghiệp lập hồ sơ cho người lao động không đúng theo Quyết định 08 khiến các địa phương mất thời gian ngồi lọc danh sách.
Bên cạnh đó, ở nơi tiếp nhận có trường hợp trụ sở đóng ở địa phương này nhưng hồ sơ gửi qua bưu điện địa chỉ nhận lại ở địa phương khác khiến 2 địa phương phải xác nhận với nhau, tiếp nhận nhưng chưa xử lý chuyển về đơn vị cũ gây áp lực; hồ sơ lập ban đầu thì có số tài khoản nhưng khi đưa ra kho bạc lại là số tài khoản khác;…
“Hiện quận 1 và Tân Bình là quận có tốc độ giải ngân chậm, trong khi thời hạn còn mấy tiếng đồng hồ là hết cần tích cực đôn đốc để tránh việc thành phố bị phê bình”, ông Nguyễn Văn Lâm thông tin.
Các địa phương cần tăng cường cảnh giác
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, yêu cầu tất cả các quận huyện, TP Thủ Đức bằng mọi giá hoàn thành xong việc triển khai Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, không thể mãi lẹt đẹt đi sau.
“Các địa phương cần nghiêm túc rà soát lại và đẩy nhanh tiến độ giải ngân, chúng ta đang cố gắng xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình mà công tác như này bị vướng là không chấp nhận được”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, việc giao ban phòng chống dịch hàng tuần rất cần thiết khi mà tình hình dịch bệnh và các hoạt động trên địa bàn thành phố chưa được trôi chảy.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu lãnh đạo các địa phương xem lại việc tham dự cuộc họp, mỗi cuộc họp có thời lượng rất ngắn, việc các lãnh đạo không tham dự thể hiện sự thiếu nghiêm túc, cần xem xét lại. Hiện tình hình dịch bệnh hiện nay rất xấu, công tác diệt muỗi, lăng quăng chưa được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, công tác tiêm vaccine luôn đội sổ so với cả nước về tỷ lệ tiêm chủng thấp, số ca mắc Covid-19 nhập viện tăng,… cần phải thường xuyên cập nhật, phân tích số liệu các khía cạnh để có biện pháp kịp thời.
"Chắc không ai muốn quay trở lại thời điểm tháng 7, 8 năm 2021, mà nguy cơ hiện giờ vẫn còn vì vậy các địa phương cần tăng cường cảnh giác. Chúng ta cực một chút lúc này sẽ đỡ hơn rất nhiều khi dịch bùng ra sẽ rất khổ”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc, tham dự đầy đủ các cuộc họp giao ban phòng chống dịch.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, giai đoạn này hết sức đáng lo khi sắp tới có 4 ngày nghỉ lễ, đến 5-9 là ngày khai giảng năm học mới, học sinh sinh viên tựu trường,… thường sẽ có một đợt “sóng” Covid-19 dội lên.
“Không biết sóng to cỡ nào, nếu ngày hôm nay chúng ta không nỗ lực thì chắc chắn sóng sẽ rất lớn”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức lo ngại; đồng thời mong muốn các đơn vị tập trung, đặc biệt đối với ngành giáo dục trách nhiệm rất lơn khi hơn 1,7 triệu học sinh các lớp từ mầm non đến THPT và 600.000 sinh viên tựu trường thì nguy cơ quay trở lại của dịch Covid-19, sốt xuất huyết là rất lớn.