TPHCM: Nghiên cứu ban hành bộ tiêu chí phổ cập tiếng Anh cho học sinh phổ thông

Sáng 15-8, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục trung học. 

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2023-2024, quy mô trường lớp ở 2 cấp THCS và THPT tăng hơn năm học trước.

Tuy nhiên, do áp lực gia tăng dân số, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp; các điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện hạn chế. Kết quả thực hiện chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học (từ 3-18 tuổi) không đồng đều giữa các cấp học.

Đại diện Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết, quy hoạch mạng lưới trường lớp hiện nay chưa triệt để tại nhiều quận huyện do thiếu quỹ đất sạch, các dự án triển khai vướng quy hoạch, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thiếu kinh phí thực hiện...

Bên cạnh đó, quy định về định mức diện tích đất bình quân/học sinh của Bộ GD-ĐT chưa phù hợp với đặc thù của TPHCM dẫn đến khả năng đầu tư bị giới hạn, các dự án gặp nhiều khó khăn.

Tới đây, năm học 2024-2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập và tốt nghiệp THPT thực hiện theo định hướng Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất học sinh.

HUNG6083.jpg
Giáo dục trung học tại TPHCM đạt nhiều thành tích nổi bật trong năm học 2023-2024

Ông Lê Duy Tân, Trưởng Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) khẳng định, đây là năm học bản lề với nhiều nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thành mục tiêu tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; thi đua xây dựng trường học số, hoàn thành công trình 50 trường học số chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025).

Để thực hiện tốt các mục tiêu đó, cơ sở giáo dục cần chủ động, linh hoạt trong công tác tham mưu, phối hợp với chính quyền địa phương và cha mẹ học sinh triển khai hiệu quả kế hoạch dạy học; thực hiện tốt đổi mới quản trị nhà trường, rà soát và phân bổ hợp lý đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Song song đó, trường học tăng cường đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh, chuyển đổi từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực, phẩm chất người học.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhận định, chất lượng giáo dục trung học ổn định trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt có sự đều tay ở cả 2 hệ thống công lập và ngoài công lập.

Việc TPHCM được UNESCO công nhận là thành viên mạng lưới thành phố học tập toàn cầu vừa là vinh dự vừa là trách nhiệm to lớn đối với TPHCM, đòi hỏi ngành giáo dục và đào tạo phải đảm bảo nền tảng trí thức và mức độ tiếp cận công nghệ thông tin của người dân ở mức cao.

Người đứng đầu ngành giáo dục cho rằng, 2 mũi nhọn thế mạnh hiện nay của giáo dục thành phố là ngoại ngữ và tin học. Trong đó, ngoại ngữ - cụ thể là tiếng Anh, vừa là công cụ giao tiếp vừa là kỹ năng quan trọng giúp học sinh có thêm hành trang vào đời.

"Tôi đề nghị các cơ sở giáo dục duy trì dạy và học ngoại ngữ nghiêm túc. Sở GD-ĐT TPHCM sẽ nghiên cứu, ban hành bộ tiêu chí phổ cập tiếng Anh cho học sinh phổ thông nói riêng, người dân nói chung trên địa bàn", ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

z5733064552370_2b9f5e17284c494c500ee2f5bd31a49a.jpg
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội nghị tổng kết, sáng 15-8

Hiện nay, Sở GD-ĐT TPHCM đang tham mưu UBND TPHCM ban hành kế hoạch chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở kế hoạch chiến lược chung của thành phố, từng đơn vị trường học sẽ xây dựng kế hoạch thực hiện riêng cho đơn vị với mục tiêu, hành động cụ thể.

Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, tài liệu giáo dục địa phương dành cho học sinh lớp 5, 9 và 12 của TPHCM hiện đang được Bộ GD-ĐT thẩm định và phê duyệt. Dự kiến, tài liệu này sẽ được ban hành vào khoảng tháng 10-2024, sớm nhất trong 4 năm học vừa qua tính từ thời điểm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Ngoài ra, do là năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 9 và 12 nên kỳ thi học sinh giỏi sẽ có nhiều thay đổi. Cụ thể, đối với lớp 9, không còn các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học mà thay vào đó là môn Khoa học tự nhiên.

Dự kiến, đề thi môn Khoa học tự nhiên gồm 2 phần là kiểm tra kiến thức chung (chiếm tỷ lệ 30% tổng điểm toàn bài) và câu hỏi lựa chọn theo từng mạch kiến thức theo định hướng giảng dạy ở cấp THPT (chiếm tỷ lệ 70% tổng điểm toàn bài). Riêng lớp 12 có thêm môn Giáo dục Kinh tế và pháp luật.

Tin cùng chuyên mục