Chị Lê Thị Lý (quận Gò Vấp, TPHCM) khi nhận thông báo tiền điện tháng 4 đã “giật mình” vì số tiền tăng hơn 500.000 đồng so với tháng trước. Theo chị Lý, trong tháng 4 thời tiết rất nóng, thời gian sử dụng máy lạnh của gia đình nhiều hơn bình thường nên đây có thể là nguyên nhân tiền điện trong tháng tăng. Không riêng gì gia đình chị Lý, nhiều hộ gia đình tại TPHCM trước đây chỉ sử dụng máy lạnh khoảng 5 giờ/ngày thì những ngày qua đã tăng thời gian sử dụng lên khoảng 13 giờ/ngày, cộng thêm quạt máy chạy liên tục để “giải nhiệt”. Chính việc kéo dài thời gian sử dụng các thiết bị làm mát dẫn đến tiền điện tăng cao.
Theo thông báo của Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC), ngày 21-4, sản lượng điện tiêu thụ toàn thành phố đạt 93,53 triệu kWh/ngày. Đến ngày 25-4, sản lượng điện tiêu thụ đạt 93,566 triệu kWh/ngày. Ngày 6-5, ghi nhận lượng điện tiêu thụ lên tới 94,802 triệu kWh/ngày, tăng gần 400.000 kWh so với đỉnh trước đó (ngày 5-5), đây là mức tiêu thụ điện cao nhất từ trước đến nay ở TPHCM.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC, cho biết, năm nay bước vào chu kỳ El Nino nên từ giữa tháng 3 bắt đầu có những đợt nắng và đỉnh điểm bắt đầu từ 15-4 đến ngày 10-5, nhiệt độ tăng cao khiến sản lượng điện của TPHCM trong tháng 4 tăng 4 lần. Theo đó, hóa đơn tiền điện tháng 4 của các hộ gia đình cũng tăng rất cao. Cụ thể, sản lượng điện khối gia đình, sinh hoạt đã tăng gần 20%. Tiền điện tăng theo bậc thang, nếu như trước đây dùng bậc 3, bậc 4 thì tháng 4 sẽ tăng lên bậc 5, bậc 6 và lũy tiến, khiến cho tiền điện của các hộ gia đình tăng rất nhiều. Ngoài ra, EVNHCMC cũng bắt đầu tính theo biểu giá mới từ ngày 4-5-2023, những phần dùng từ ngày 4-5 trở về trước sẽ tính giá cũ, từ ngày 4-5 trở về sau sẽ tính giá mới.