Theo bà Lương Thị Hồng Điệp, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM), bên cạnh chế độ chính sách chung cho giáo viên mầm non trên cả nước, TPHCM có 4 chính sách đặc thù dành cho giáo viên mầm non.
Cụ thể, HĐND TPHCM đã ban hành 3 nghị quyết về chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên mầm non, chính sách phát triển giáo dục mầm non ở địa bàn có khu công nghiệp tại TPHCM.
Ngoài ra, UBND TPHCM ban hành Công văn 550/UBND-TM (ngày 12-2-2009) về cấp bổ sung dự toán cho giáo viên mầm non các quận huyện.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến tháng 10-2024, toàn thành phố có 3.281 cơ sở giáo dục mầm non gồm 1.261 trường và 2.020 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.
Trong đó, số lượng cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất chiếm tỷ lệ 61,14% với 771 trường, 1.590 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, lớp mầm non độc lập.
“Các số liệu thống kê cho thấy, số lượng trẻ đang theo học và giáo viên công tác ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập đều chiếm tỷ lệ nhiều hơn hệ thống công lập, kể cả khu vực địa bàn có khu công nghiệp và không có khu công nghiệp”, bà Lương Thị Hồng Điệp thông tin.
Nhằm kịp thời động viên, hỗ trợ giáo dục mầm non, HĐND TPHCM đã ban hành Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND (ngày 9-12-2021) về chính sách đối với cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp.
Theo đó, cơ sở giáo dục mầm non được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần (gồm trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD-ĐT) và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ trực tiếp việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ tối thiểu 20 triệu đồng/cơ sở và tối đa 50 triệu đồng/cơ sở.
Ngoài ra, trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ 160.000 đồng/trẻ/tháng, thời gian hỗ trợ tính theo số tháng học thực tế và không quá 9 tháng/năm học.
Riêng giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp được hỗ trợ 800.000 đồng/người/tháng.
Qua gần 3 năm triển khai Nghị quyết 27/2021/NQ-HĐND, ngân sách thành phố đã chi hơn 1 tỷ đồng các cơ sở giáo dục mầm non; hơn 12,6 tỷ đồng trợ cấp trẻ em mầm non là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp và hơn 2,6 tỷ đồng hỗ trợ giáo viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non dân lập, tư thục ở địa bàn có khu công nghiệp.
Ngoài ra, đối với Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐND (ngày 14-6-2014) của HĐND TPHCM về hỗ trợ giáo dục mầm non, ngân sách thành phố đã chi hỗ trợ 15 tỷ đồng và kinh phí từ nguồn xã hội hóa hơn 2,6 tỷ đồng triển khai tổ chức giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi.
Về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, thành phố tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các công trình trường mầm non. Từ năm 2021 đến nay, có 33 trường xây dựng mới với tổng kinh phí hơn 1.400 tỷ đồng; 577 trường được sửa chữa với tổng kinh phí hơn 353 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngân sách cũng chi hỗ trợ 25-35% tiền lương/tháng đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục mầm non công lập; hỗ trợ khuyến khích giáo viên mầm non trình độ cao đẳng, đại học và thạc sĩ; chế độ hỗ trợ giáo viên mới ra trường và hợp đồng nhân viên nuôi dưỡng.
“Nhờ các chính sách hỗ trợ, giáo viên mới ra trường yên tâm công tác; trình độ chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên thường xuyên được nâng cao, giáo viên tích cực ứng dụng công nghệ thông tin và tiếp cận nhiều phương pháp tiên tiến để nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ”, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM nhìn nhận.
Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Thụy Mỵ Châu cho rằng, để nâng cao chất lượng giáo dục mầm non cần có định hướng lâu dài về quy mô trường lớp, số lượng giáo viên và trẻ theo học.
Hiện nay, các chế độ chính sách không còn phân biệt giữa hệ thống công lập và ngoài công lập. TPHCM đã có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ cơ sở ngoài công lập. Do đó, đội ngũ giáo viên, người lao động phải có trách nhiệm thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với nhà trường.
Riêng đối với các nhà đầu tư, nhà trường, ban giám hiệu cơ sở ngoài công lập, cần xác định rõ tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ về chế độ chính sách, đã quan tâm kịp thời và đầy đủ chưa, bảo vệ được quyền lợi của đội ngũ chưa.
Đối với hệ thống công lập, các địa phương rà soát đã thực hiện đúng quy định về tuyển dụng giáo viên. Nếu xảy ra tình trạng thiếu giáo viên phải có giải pháp và thường xuyên đeo bám.