Phát triển cả về lượng và chất
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, quy mô ngành giáo dục và đào tạo trong những năm qua phát triển mạnh cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến năm học 2021-2022, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã phủ khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức với 2.355 trường học từ mầm non đến THPT, 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm học tập cộng đồng. Trong đó, tính đến cuối năm 2020, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đạt tỷ lệ 99,86% người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi biết chữ, 100% quận, huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục bậc trung học.
Cụ thể, ở bậc mầm non, có 319/319 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%. Đối với tiểu học, thành phố có 319/319 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 100% trẻ em 6 tuổi ra lớp và 98,45% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học. Riêng đối với bậc THCS, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS năm 2020 đạt 99,61%.
Bên cạnh đó, phong trào nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh được đẩy mạnh ở tất cả cấp học và trình độ đào tạo. Riêng ở bậc tiểu học, ngoài chương trình Tiếng Anh tự chọn theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, thành phố còn triển khai nhiều mô hình học tập khác đa dạng với các em. Với bậc trung học, nhiều năm qua, kết quả thi môn Tiếng Anh tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia của thành phố dẫn đầu cả nước, cho thấy việc đổi mới dạy học đi đúng hướng, đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ học sinh và xã hội.
Để thực hiện mục tiêu khuyến khích học tập suốt đời trong giai đoạn hiện nay, ngành giáo dục và đào tạo tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, áp dụng các mô hình có tính đột phá, hướng đến mục tiêu xây dựng TPHCM theo mô hình “Thành phố học tập”, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tăng cường hội nhập quốc tế.
Đẩy mạnh khuyến học, khuyến tài
Bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học thành phố, cho biết, từ 35 thành viên đầu tiên của ngày đầu mới thành lập, qua 20 năm phát triển, đến nay tổ chức hội đã phát triển đều khắp ở các quận, huyện, phường, xã, thị trấn, trường học, cơ quan, đơn vị. Toàn thành phố hiện có 310 hội khuyến học phường, xã; 4.643 chi hội khuyến học và 24.852 tổ hội khuyến học với hơn 1,4 triệu hội viên. Tổ chức hội các cấp ngày càng được củng cố và phát triển vững mạnh, tạo nhiều dấu ấn trong các hoạt động như chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học”, mô hình học bổng khuyến tài (còn gọi học bổng 1&1).
Ngoài ra, để đẩy mạnh phong trào xây dựng xã hội học tập, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện đã triển khai thành công các mô hình gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập và cộng đồng học tập.
Theo bà Huỳnh Thị Xuân Mai, Huyện ủy viên, Chủ tịch HĐND Thị trấn Hóc Môn, để đạt được kết quả nổi bật đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đặc biệt, cần có chính sách tập hợp đội ngũ cán bộ tâm huyết, trí thức, người có uy tín tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Ở phạm vi rộng hơn, tới đây, thành phố cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn hệ thống chính trị về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đồng thời triển khai có hiệu quả các giải pháp như: đẩy mạnh đầu tư cho giáo dục; quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập…