Theo kết quả đánh giá, tỉnh Ninh Thuận dẫn đầu cả nước về kết quả xử lý tham nhũng, ngược lại, địa phương thấp nhất là Tuyên Quang. Tỉnh Sóc Trăng có kết quả phát hiện ra tham nhũng cao nhất, thấp nhất là Cà Mau.
Trong khi đó, kết quả phát hiện hành vi tham nhũng, các địa phương dẫn đầu lần lượt là Sóc Trăng, TPHCM và Thái Nguyên. TTCP đánh giá, Sóc Trăng và TPHCM đạt được kết quả cao do làm tốt công tác kiểm tra nội bộ. Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cũng chỉ ra 3 địa phương còn yếu kém trong việc phát hiện hành vi tham nhũng: Cần Thơ, Hòa Bình và Bạc Liêu.
Cũng theo kết quả thống kê của PACA 2019, có tới 42 địa phương không phát hiện được hành vi tham nhũng trong việc tự kiểm tra nội bộ. TTCP cũng cho biết, nhóm 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về xử lý hành vi tham nhũng, gồm: Ninh Thuận, TPHCM, TP Hà Nội, Kon Tum, Tiền Giang.
Nhìn chung, cơ quan thanh tra đánh giá, mặc dù đạt được nhiều kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng, nhưng vẫn còn rất chậm, các địa phương thực hiện vẫn ở mức trung bình thấp. Đặc biệt, việc tổ chức tiếp dân vẫn là hạn chế của nhiều chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trong cả nước.
TTCP cũng lưu ý các địa phương, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa, các địa phương cần đặc biệt lưu ý tới minh bạch tài sản, thu nhập. Bên cạnh đó, việc phát hiện tham nhũng vẫn chỉ qua điều tra, truy tố, xét xử; chưa chưa coi trọng hoạt động giám sát để phòng ngừa từ xa.
Từ những kết quả và hạn chế trên, TTCP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao TTCP nghiên cứu, đề xuất các nội dung còn vướng mắc liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện đánh giá công tác phòng chống tham nhũng; tổng kết việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh thời gian qua; rà soát điều chỉnh hoàn thiện bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống tham nhũng cấp tỉnh phù hợp với các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng.