TPHCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số Xanh

Ngày 9-5, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức lễ công bố báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023.

Năm thứ 2 liên tiếp VCCI công bố chỉ số PGI bên cạnh chỉ số PCI
Năm thứ 2 liên tiếp VCCI công bố chỉ số PGI bên cạnh chỉ số PCI

Kết quả báo cáo của VCCI cho thấy, năm 2023, TPHCM xếp thứ 27 trong nhóm 30 tỉnh, thành có Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có điểm số cao. Quảng Ninh, Long An, Hải Phòng, Bắc Giang và Đồng Tháp là 5 địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2023.

Trong khi đó, về chỉ số PGI, TPHCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước(cùng với Quảng Ninh, Đà Nẵng, Đồng Nai và Hưng Yên).

20240509_101735.jpg
TPHCM nằm trong nhóm 30 tỉnh thành có điểm số cao về PCI

Chỉ số PGI của TPHCM xét theo cả 4 tiêu chí đánh giá đều cao và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Cụ thể, năm 2023, tiêu chí giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai của TPHCM đạt 7,49 điểm (năm 2022 là 3,12 điểm), tiêu chí đảm bảo tuân thủ đạt 6,37 điểm (năm 2022 là 4,94 điểm), tiêu chí thúc đẩy thực hành xanh đạt 5,92 điểm (năm 2022 là 4,09 điểm) và tiêu chí khuyến khích dịch vụ hỗ trợ đạt 4,43 điểm (năm 2022 là 1,87 điểm).

20240509_101754.jpg
Tuy nhiên, đáng chú ý là TPHCM nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số PGI - chỉ số quan trọng về phát triển bền vững

Sau khi thí điểm vào năm 2022, năm nay VCCI đã hoàn thiện và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Đây là bộ chỉ số cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

Phân tích của báo cáo PCI-PGI 2023 cho thấy điểm số PGI cao tương ứng với chất lượng môi trường và khả năng ứng phó, chống chịu thiên tai, biến đổi khí hậu tốt hơn tại các địa phương.

Tuy nhiên, chính quyền nhiều tỉnh, thành phố hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm, triển khai các sáng kiến, giải pháp về môi trường tại địa phương, thiếu nguồn lực và năng lực chuyên môn, khả năng phối hợp trong xử lý các vấn đề vùng/liên vùng, hoặc doanh nghiệp chưa có đủ nhận thức và động lực thay đổi.

Tin cùng chuyên mục