Theo ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng, Sở GD-ĐT TPHCM, tại các điểm thi có thí sinh tự do dự thi đều đảm bảo tỷ lệ 60% thí sinh học chương trình phổ thông và 40% thí sinh hệ giáo dục thường xuyên.
Toàn thành phố có tổng cộng 3.805 phòng thi, trung bình 24 thí sinh/phòng. Tất cả điểm thi đều bố trí 3 phòng thi dự phòng.
Thành phố đã huy động 10.654 giáo viên làm cán bộ coi thi và 1.896 nhân viên, y tế, bảo vệ, công an… làm nhiệm vụ tại các điểm thi.
Hôm qua (6-7), trên tổng số 85.088 thí sinh đăng ký dự thi, có 83.752 thí sinh đến làm thủ tục dự thi, vắng 1.336 em, đạt tỷ lệ 98,43%.
Sáng nay (7-7), trong giờ làm bài môn Ngữ văn, có 83.434 thí sinh đăng ký dự thi. Ghi nhận thực tế có 83.080 thí sinh đến tham gia dự thi, vắng 354 em, đạt tỷ lệ 99,58%.
Đối với môn Toán buổi chiều, có 84.567 thí sinh đăng ký dự thi. Ghi nhận thực tế có 84.105 thí sinh tham gia dự thi, vắng 462 em, chiếm tỷ lệ 99,45%.
Tổng kết sau ngày thi đầu tiên, TPHCM có 1 thí sinh vi phạm quy chế thi do mang điện thoại di động vào phòng thi trong giờ làm bài môn Toán, không có trường hợp cán bộ coi thi vi phạm quy chế, không xảy ra sự cố bất thường.
Ngoài ra, có 1 điểm thi có thí sinh là F0 nhưng có nguyện vọng tham gia dự thi lấy điểm xét tuyển đại học nên được điểm thi bố trí phòng thi riêng.
Ngoài ra, tại điểm thi THPT Trưng Vương (quận 1), một trường hợp thí sinh là F0 đã nộp hồ sơ xét đặc cách tốt nghiệp.
Toàn thành phố có 3 điểm thi bố trí cán bộ coi thi viết hộ bài thi cho thí sinh do gần ngày thi các thí sinh này bị tai nạn, không thể trực tiếp viết bài. Ở tất cả phòng thi này đều bố trí một thiết bị ghi hình và một thiết bị ghi âm, bố trí 2 cán bộ coi thi, một cán bộ giám sát theo dõi toàn bộ quá trình làm bài của thí sinh để đảm bảo tính an toàn và công bằng ở các điểm thi.
Đặc biệt, trong giờ thi môn Ngữ văn (buổi sáng), có 1 thí sinh tự do đến điểm thi trễ 30 phút so với thời gian bắt đầu làm bài môn Ngữ văn nên không được tham gia môn thi đó, các môn còn lại thí sinh này vẫn dự thi bình thường.
Đối với quy định thí sinh để vật dụng cá nhân cách khu vực phòng thi tối thiểu 25m, đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, số lượng thí sinh mang vật dụng cá nhân giảm hẳn nên sau khi kết thúc giờ làm bài, thí sinh không mất nhiều thời gian nhận lại vật dụng cá nhân.
Tuy nhiên, “trong các quy định về nhiệm vụ và vị trí phân công của cán bộ tại điểm thi, chưa có quy định cán bộ giữ vật dụng cá nhân cho thí sinh. Qua hai kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tốt nghiệp THPT năm 2022, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có kiến nghị gửi Bộ GD-ĐT để có hướng tổ chức tốt hơn trong các năm sau. Song song đó, rút kinh nghiệm từ môn thi buổi sáng, Sở GD-ĐT TPHCM cũng chỉ đạo các điểm thi có phương án bố trí nhân sự và khu vực bảo quản vật dụng cá nhân cho thí sinh, tránh tình trạng thất lạc vật dụng của các em”, ông Hồ Tấn Minh cho biết.