Đây là vụ khiếu kiện kéo dài 17 năm qua. Theo Ban Tiếp công dân TP, năm 1982, ông Vũ Đức Tảo (thương binh 2/4) cùng vợ mua một căn nhà ở quận Bình Thạnh. Do căn nhà này bị cháy trong một vụ hỏa hoạn, quận Bình Thạnh bố trí cho gia đình ông Tảo một căn hộ chung cư.
Vợ và các con ông Tảo ở căn chung cư này cho đến nay. Cũng năm 1982, ông Tảo sống chung như vợ chồng với bà Nguyễn Thị Nhanh. Hai người này lấn chiếm đất tại một dự án của Công ty Phát triển nhà Bình Thạnh và xây nhà ở trái phép. Để lấy lại đất, năm 2001, UBND quận Bình Thạnh bố trí cho ông Tảo, bà Nhanh tạm cư.
Năm 2010, quận Bình Thạnh bố trí một căn hộ tái định cư ở quận Thủ Đức cho ông Tảo, bà Nhanh thuê. Đến năm 2015, ông Tảo, bà Nhanh mới ký hợp đồng thuê nhà. Nhưng suốt từ năm 2010 đến nay, ông Tảo, bà Nhanh không trả tiền thuê nhà.
Tại buổi tiếp công dân, bà Nguyễn Thị Nhanh (ông Tảo đã chết) kiến nghị được mua trả góp căn hộ đang ở với giá ưu đãi và xin xóa nợ tiền thuê nhà. Tuy vậy, lãnh đạo các cơ quan liên quan khẳng định, ông Vũ Đức Tảo được giải quyết đầy đủ chính sách hỗ trợ đối với người có công với cách mạng, kể cả chính sách về nhà ở nên không có cơ sở giải quyết.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu khẳng định, theo quy định, TP không thể xóa nợ tiền thuê nhà và giải quyết cấp nhà lần hai đối với gia đình ông Vũ Đức Tảo.
Tuy nhiên, xét quá trình đóng góp, cống hiến của ông Vũ Đức Tảo đối với đất nước, đồng thời hiện là hộ nghèo nên đồng chí Nguyễn Thị Thu yêu cầu quận Thủ Đức vận dụng chính sách để xóa nợ tiền thuê từ trước khi ký hợp đồng thuê nhà (trong đó quận Bình Thạnh hỗ trợ 15 triệu đồng). Riêng số tiền thuê nhà từ năm 2015 đến nay, quận Thủ Đức phải thu đúng theo quy định. Ngoài ra, chính quyền địa phương xem xét, có đề xuất việc xin mua chung cư trả góp với giá ưu đãi của bà Nguyễn Thị Nhanh. Kết quả phải được báo cáo, gửi UBND TP trong tháng 4-2018.
Cũng trong buổi sáng 27-3, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Thu có buổi tiếp 4 cá nhân khiếu nại quyết định của UBND TP (vào năm 2002) về việc yêu cầu họ giao trả hơn 1.000m2 đất (thực tế là hơn 1.200m2) đã chiếm dụng ở huyện Hóc Môn.
Hiện, các cá nhân này đã bán, tặng cho 3 người khác với tổng diện tích hơn 690m2. Phần còn lại (hơn 550m2) được một người đang quản lý, sử dụng. Tất cả diện tích đất trên đã được cấp giấy chứng nhận, dù phần đất hơn 550m2 nằm trong quy hoạch đất giao thông, giáo dục.
Tại buổi tiếp công dân, người dân trình bày, phần đất nêu trên cùng một thửa đất khác rộng 2.080m2 (đang được TPHCM quản lý theo Quyết định 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước) có nguồn gốc của ông nội của họ. Từ đó, người dân đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng.
Tuy nhiên, lãnh đạo UBND huyện Hóc Môn và Sở TN-MT khẳng định, từ trước giải phóng, chính quyền cũ đã có quyết định trưng dụng và thực hiện bồi thường về hoa màu đối với toàn bộ các diện tích đất đã nêu. Sau năm 1975, người dân quay lại chiếm dụng nên không có cơ sở công nhận quyền sở hữu.
Mặt khác, việc cấp sổ cho hơn 550m2 đất nằm trong quy hoạch giao thông, giáo dục là sai quy định nên huyện Hóc Môn thu hồi sổ đã cấp và xem xét xử lý các cá nhân, tổ chức liên quan. Nhưng tháng 8-2016, UBND TP chỉ đạo phần đất được cấp sổ thì người dân vẫn được tiếp tục sử dụng, kể cả hơn 550m2 đất bị vướng quy hoạch.
Kết luận, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho phép người dân được tiếp tục sử dụng hơn 550m2 nằm trong quy hoạch. Đến khi TPHCM thực hiện quy hoạch thì người dân sẽ được bồi thường theo đúng quy định. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cũng yêu cầu Sở TN-MT phối hợp làm rõ có việc người dân lấn chiếm 2.080m2 hay không, để UBND TP giải quyết dứt điểm vụ việc.