Chiều 2-10, trong phiên họp trực tuyến của UBND TPHCM về công tác cải cách hành chính 9 tháng đầu năm 2018, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến mong muốn sự hợp tác của người dân khi đi làm thủ tục hành chính (TTHC) – không chạy chọt, xin xỏ, đút lót cán bộ.
Về kết quả cải cách hành chính trên địa bàn TP, mỗi năm, TP cần giải quyết khoảng 14 triệu hồ sơ và 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn được nâng lên là 99,6%. Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Huỳnh Công Hùng cho hay, cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được thực hiện, tạo sự chuyển biến tích cực, hiệu quả trong công tác giải quyết TTHC. Các sở, ngành công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, trọng tâm là các lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai…
Nhiều cách làm tốt đã xuất hiện. Ở lĩnh vực xây dựng, đã triển khai quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử thủ tục cấp phép xây dựng thuộc thẩm quyền của Sở Xây dựng và thực hiện thí điểm rút gọn quy trình dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3).
Trong lĩnh vực quy hoạch, cá nhân, tổ chức có thể xem thông tin quy hoạch bằng cách truy cập trực tiếp vào trang web http://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn hoặc ứng dụng trên thiết bị thông minh.
Ngành hải quan cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan; mở rộng thực hiện hải quan điện tử.
Ngành thuế triển khai kết nối thông tin điện tử, hỗ trợ người nộp thuế gửi văn bản qua mạng internet; có ứng dụng khai thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân điện tử đối với hoạt động cho thuê nhà của cá nhân; tiếp tục triển khai kê khai thuế, nộp thuế qua mạng; thực hiện tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng bằng phương thức điện tử (dịch vụ công mức độ 4).
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, dù tỉ lệ hồ sơ trễ hẹn thấp nhưng số hồ sơ tồn đọng ở các sở, ngành khoảng 20.400 hồ sơ là vẫn nhiều.
Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến lưu ý, chỉ cần vài trăm hồ sơ trễ hẹn là tâm lý người dân bức xúc và thiệt hại do chậm trễ đã rất lớn, huống hồ là trên 20.400 hồ sơ, cho thấy các cơ quan chưa làm tốt trách nhiệm của mình với người dân.
Để chấn chỉnh, cùng với các giải pháp cải cách TTHC, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, TP sẽ kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị và sẽ đưa ra tiêu chí đánh giá người đứng đầu trong việc cải cách hành chính. Trong đó, đặc biệt chú ý đến các biểu hiện: thủ trưởng đơn vị có tư tưởng ngại tiếp dân; không quan tâm bức xúc của dân, thường giao lại cho cấp dưới xử lý mà không quan tâm kiểm tra; không quan tâm đến đoàn kết nội bộ mà điều này xuất phát từ khai thác lợi ích của người dân, của doanh nghiệp, dẫn đến nội bộ mất đoàn kết, gây gổ; không quan tâm xử lý tiêu cực của đơn vị, không loại bỏ những phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp – thể hiện qua việc không biết, hoặc biết nhưng không xử lý; không cải tiến những loại việc lạc hậu, lỗi thời, cản trở công tác; không kiểm soát cấp dưới thông qua việc không nắm được quy trình công tác, công đoạn nào, trách nhiệm ở đâu; hồ sơ trễ hẹn nhưng người đứng đầu không biết, không dám ký thư xin dân mà giao cho cấp phó ký.
Chỉ ra hàng loạt biểu hiện trên, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến lưu ý người đứng đầu các đơn vị cần “học bài”, xem lại mình và TP sẽ sớm kiểm tra, rà lại trách nhiệm người đứng đầu. Khi kiểm tra, lãnh đạo các đơn vị không được dùng giấy, mà TP hỏi đến đâu, cần giải đáp được đến đó, hiểu bản chất vấn đề, hiểu việc mình làm. Nếu người đứng đầu có 1 trong những biểu hiện trên, là người đó chưa hoàn thành trách nhiệm; nếu có 2 hoặc nhiều hơn 2 biểu hiện, TP sẽ xem lại trách nhiệm người đứng đầu; nếu chiếm trên 50% biểu hiện thì người đứng đầu đó sẽ bị xử lý, chuyển công tác.
Đồng thời, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến yêu cầu các sở, ngành, quận huyện, phường, xã khi tiếp nhận yêu cầu, kiến nghị của người dân, cần xử lý dứt điểm, không kéo dài. Quá trình xử lý, dù được hay không được, “đúng - sai tính sau, nhưng trước hết phải trả lời”, phải có cơ chế thông tin tiến độ giải quyết tới người dân; nói rõ lý do, không để im lặng kéo dài.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cảnh báo các cán bộ muốn tồn tại, cần nỗ lực cải cách, phục vụ người dân, còn “không chuyển động, không làm nổi thì hãy ra khỏi bộ máy, TP không chấp nhận cán bộ làm dở dở ương ương”.