Phát biểu định hướng, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm cho biết, năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chủ trì thực hiện Chương trình Khoa học và công nghệ đặc biệt cấp quốc gia giai đoạn 2021-2025: Nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới (giai đoạn từ năm 1986 đến nay, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045). Chương trình nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIV của Đảng. Để thực hiện chương trình trên, có nhiều đề tài nhánh cấp nhà nước để nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Do đó, đoàn công tác làm việc với TPHCM để làm rõ 4 nội dung chính. Đó là nghiên cứu, vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo và trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thời kỳ đổi mới.
Tại buổi làm việc, các bên trao đổi nhiều vấn đề xoay quanh 4 nội dung mà PGS-TS Hoàng Phúc Lâm đã gợi mở.
Chia sẻ thêm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải nhắc lại thời điểm xây dựng dự thảo Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, đồng chí Tổng Bí thư mong muốn TPHCM có giải pháp để cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy niềm tự hào của người dân thành phố - địa phương duy nhất được mang tên Bác Hồ kính yêu. Do đó, trong văn kiện có đưa ra chương trình hành động để thực hiện xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Đến nay, các công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh rất lan tỏa, không chỉ được xây dựng ở các cơ quan, đơn vị mà còn lan tỏa đến các cơ sở thờ tự, trong cộng đồng dân cư và ngày càng thấm vào tư tưởng của mỗi người dân và trở thành nét văn hóa rất riêng của người dân thành phố nhưng không tách rời văn hóa truyền thống dân tộc. Qua đó, mang đậm niềm tự hào, sự tri ân của nhân dân thành phố khi được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Cũng theo đồng chí, cuối năm 2022, TPHCM vinh dự được Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong một số sứ mệnh Bộ Chính trị giao, có nội dung xây dựng TPHCM ngang tầm các đô thị ở khu vực và thể hiện nét văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Muốn đạt được kỳ vọng ấy, một trong những giải pháp của TPHCM là phát huy truyền thống đoàn kết của nhân dân thành phố.
“Tinh thần này thể hiện rất rõ nét trong thời điểm dịch Covid-19. Lúc bình thường thì mọi chuyện không có gì nổi bật nhưng khi khó khăn thì bật lên sự gắn bó, đoàn kết hỗ trợ nhau rất mạnh mẽ”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh.
Đồng chí cũng dẫn chứng nhiều câu chuyện cho thấy sự đoàn kết giữa các dân tộc sinh sống trên địa bàn thành phố, sự tương trợ của các tôn giáo được thể hiện đậm nét trong các hoạt động chăm lo an sinh xã hội, kết hợp tuyên truyền để đảm bảo an ninh trật tự xã hội…
Bên cạnh đó, việc tổ chức hữu nghị giữa TPHCM với các nước cũng được chú trọng, nhất là tình hữu nghị với các nước láng giềng. “Mối quan hệ này được hun đúc và duy trì phát triển trong thế hệ trẻ, đặc biệt là ở tổ chức đoàn thanh niên của các nước đối với thành phố. Đây là vốn quý để tiếp tục phát huy tình đoàn kết của thành phố và xây dựng phát triển mang tính bền vững”, đồng chí Nguyễn Hồ Hải bày tỏ.
Thông qua buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM khẳng định đây là dịp để thành phố rà soát việc thực hiện các nhiệm vụ để có có định hướng, bổ sung cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Đồng chí thông tin, hiện TPHCM đang triển khai nhiều nội dung nhằm thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM. Đặc biệt, thành phố đang triển khai quyết liệt Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị; Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là cơ sở pháp lý thể hiện rất rõ sự quan tâm của trung ương dành cho TPHCM. Dù vậy, TPHCM cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tháo gỡ các tồn đọng, do đó thành phố cũng rất cần sự quan tâm của trung ương cũng như sự đồng thuận của người dân.
Trên phương châm "TPHCM vì cả nước - cả nước vì TPHCM", TPHCM mong muốn Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để thành phố phát triển; đồng thời cũng mong muốn các nhà khoa học đồng hành, chia sẻ, góp thêm ý kiến để thành phố thực hiện đạt hiệu quả cao nhất các nhiệm vụ.
Kết luận buổi làm việc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm khẳng định buổi làm việc đã cung cấp nhiều nội dung, chất liệu để đoàn công tác có cơ sở nghiên cứu, đưa vào chương trình nghiên cứu và báo cáo trung ương. Gợi mở thêm, PGS-TS Hoàng Phúc Lâm nhấn mạnh, TPHCM rất quan tâm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về tập trung phát triển nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực cán bộ lãnh đạo, quản lý. Trong đó, TPHCM đặc biệt quan tâm bồi dưỡng cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý thông qua việc tổ chức các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. PGS-TS Hoàng Phúc Lâm đề nghị TPHCM tổng kết để nhân rộng mô hình này.