Sáng 30-3, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.
Các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng Đoàn ĐBQH TPHCM; Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM; Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, chủ trì tọa đàm.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cần cơ chế chính sách phân cấp phân quyền mạnh mẽ
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã thông tin các nội dung liên quan đến quá trình chuẩn bị dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Theo đó, Nghị quyết 54 được Quốc hội tổng kết vào cuối năm 2022 và cho phép kéo dài thực hiện đến ngày 31-12-2023. Trong thời gian đó, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo Bộ KH-ĐT phối hợp với TPHCM và các bộ, ngành xây dựng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54. TPHCM đã khẩn trương phối hợp với Bộ KH-ĐT và các bộ ngành tham mưu Chính phủ trình nghị quyết thay Nghị quyết 54.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Nghị quyết 54 tập trung nhiều vào khai thác nguồn thu cho TPHCM. Còn điểm khác khi xây dựng dự thảo nghị quyết mới thay thế, TPHCM không đặt nặng vấn đề nguồn thu mà đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá vượt trội để huy động nguồn lực phát triển thành phố. Đó là những việc mà luật chưa quy định hoặc luật có quy định nhưng còn chồng chéo, chưa giải quyết được các vấn đề thực tiễn phát triển thành phố để khai phóng, huy động các nguồn lực để phát triển TPHCM.
Đồng thời, huy động các nguồn lực cho thành phố để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TPHCM đặt ra. Đó là TPHCM phải là cực tăng trưởng, là đầu tàu, trung tâm về mọi mặt và TPHCM không chỉ là địa phương của Việt Nam mà còn là địa phương có năng lực hội nhập cạnh tranh quốc tế với các thành phố trong khu vực và cả nước. Từ thực tiễn phát triển, TPHCM đề xuất những cơ chế chính sách đáp ứng được tiêu chí đột phá vượt trội nhưng cũng có những chính sách được các cơ quan Trung ương, các bộ, ngành, chuyên gia đề xuất để phát triển TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, trong quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết mới, TPHCM xác định xây dựng nghị quyết với những cơ chế chính sách đột phá vượt trội không chỉ cho TPHCM mà còn cho cả nước, vì TPHCM phát triển sẽ đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước.
“Trong dự thảo nghị quyết này, TPHCM xác định tập trung làm sao có những cơ chế chính sách phân cấp phân quyền mạnh mẽ để tạo sự chủ động cho thành phố. Một mặt để TPHCM giải quyết các vấn đề nhanh hơn, mặt khác cũng để rút kinh nghiệm, sau này các cơ quan Trung ương có thể phân cấp phân quyền mạnh hơn cho các địa phương. Qua đó, giải phóng được năng lượng, nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để quyết các vấn đề nhanh hơn”, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cũng theo Chủ tịch UBND TPHCM, dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 dự kiến có 4 nhóm nội dung với khoảng 40 cơ chế chính sách mang tính đột phá vượt trội. Trong đó, có nhóm cơ chế chính sách đã có trong Nghị quyết 54; nhóm các cơ chế chính sách đặc thù đã có với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật; nhóm các cơ chế chính sách mới do TPHCM chủ động đề xuất và các cơ quan Trung ương gợi ý.
Với những nội dung như trên, Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo nghị quyết cũng như góp ý cho thành phố về việc triển khai nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua. Sau tọa đàm, TPHCM khẩn trương tiếp thu ý kiến và phối hợp cùng Bộ KH-ĐT, các cơ quan trung ương hoàn thiện sự chuẩn bị để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tạo sự lan tỏa cho vùng Đông Nam bộ và cả nước
Gợi mở GS-TS Trần Hoàng Ngân, ĐBQH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu TPHCM, Thư ký Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, cho rằng thời gian qua Bộ Chính trị và Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết để phát triển TPHCM. Trong các nghị quyết luôn nhấn mạnh vai trò vị trí đầu tàu của TPHCM trong thúc đẩy tăng trưởng cả nước và cạnh tranh quốc tế. Thực tế, trong quá trình thực hiện các nghị quyết, TPHCM luôn thể hiện vai trò đầu tàu của mình trong đóng góp ngân sách, tăng trưởng GDP.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân, điều đáng mừng là Bộ Chính trị đã đánh giá những nỗ lực của TPHCM và tiếp tục ban hành Nghị quyết 31 về phát triển TPHCM. Nghị quyết 31 tiếp tục nêu lên vai trò quan trọng của TPHCM với đầu tàu kinh tế của cả nước, dẫn dắt tăng trưởng vùng Đông Nam bộ, là thành phố phát triển ngang tầm với các đô thị trên thế giới, làm điểm đến hấp dẫn toàn cầu…
Cũng theo ĐB, mục tiêu đặt ra cho TPHCM tại Nghị quyết 31 là rất lớn, đặc biệt là nhiệm vụ ban hành chính sách, pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố trong giai đoạn mới… Để cụ thể hoá giải pháp này, với đô thị đặc biệt, mật độ dân cư đông, là vị trí đầu tàu, cần có những cơ chế vượt trội để TPHCM thực hiện.
Khẳng định sự cần thiết của nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54, TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, TPHCM cần phải tập trung nghiên cứu, chuẩn bị kỹ để triển khai thực hiện sau khi được Quốc hội thông qua.
Dẫn chứng nhiều mô hình phát triển của các quốc gia trên thế giới, vị chuyên gia này cho rằng, muốn TPHCM trở thành trung tâm tài chính thì nên thử nghiệm mô hình “cơ chế thử nghiệm”. Bởi các nước phát triển như Anh, Mỹ… đã áp dụng mô hình này và đã gặt hái được nhiều thành công. Nếu áp dụng mô hình này, có hai hướng để thử nghiệm gồm coi toàn bộ TPHCM là một mô hình lớn hoặc thành lập một số cơ chế thử nghiệm theo từng nội dung như về tài chính, về chính quyền đô thị cho TP Thủ Đức…
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi cùng các đại biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong khi đó, TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 có thuận lợi là được rút kinh nghiệm từ Nghị quyết 54 cũng như tiếp thu một số cơ chế đặc thù ở các tỉnh.
TS Võ Trí Thành cho rằng, dự thảo nghị quyết cần nhấn mạnh rõ vai trò của TPHCM trong sự phát triển của cả nước cũng như trong tương lai. Đồng thời, phải nhìn nhận thực tế hiện nay tốc độ tăng năng suất lao động của TP đang có xu hướng giảm. Theo ông, có nguyên nhân là do nhiều cơ chế, chính sách hiện nay không đủ sức giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra cho TPHCM. Do đó, nghị quyết mới cần giải quyết được những vấn đề này.