Ngày 5-12, bác sĩ Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, hiện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã phân bổ cho TPHCM 10.000 liều vaccine sởi (hạn dùng 1-3-2024) ít hơn số lượng dự trù của HCDC là 20.000 liều và 5.140 liều vaccine DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván) có hạn dùng 17-12-2022. Số lượng vaccine này chỉ đủ dùng trong tháng 12-2022.
Theo HCDC, hiện TPHCM đang tạm hết 5 loại vaccine: viêm não Nhật Bản (VNNB), lao (BCG), sởi-rubella (MR), bại liệt dạng uống (bOPV) và vaccine 5 trong 1 (SII). Các vaccine cung ứng bình thường gồm 3 loại: viêm gan B, IPV (bại liệt dạng tiêm) và VAT (uốn ván).
Hiện nhu cầu sử dụng vaccine SII tại TPHCM trung bình 1 tháng là 8.820 liều và khả năng TPHCM sẽ thiếu vaccine này vào cuối tháng 12-2022; vaccine BCG trung bình mỗi tháng sử dụng 9.440 liều dự kiến hết vaccine vào giữa tháng 12-2022; vaccine viêm não Nhật Bản sử dụng trung bình mỗi tháng 6.340 liều và đã hết từ tháng 11-2022; vaccine bOPV sử dụng trung bình mỗi tháng 15.200 liều và đã hết từ tháng 11-2022; vaccine MR sử dụng mỗi tháng 5.690 liều và đã hết từ đầu tháng 10-2022.
Cũng theo bác sĩ Lê Hồng Nga, hiện TPHCM cũng chưa nhận được vỉtamin A liều cao đợt 2 năm 2022 từ Viện Dinh dưỡng, khi nào nhận được nguồn thuốc, HCDC sẽ thông báo các đơn vị liên quan sớm tổ chức cho trẻ uống bù.
Trước đó, Báo SGGP có thông tin phản ánh về việc TPHCM vẫn chưa được Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vaccine. Hiện các loại vaccine đã hết gồm sởi, DPT (bạch hầu - ho gà - uốn ván), viêm não Nhật Bản, sởi - rubella, bại liệt uống. Riêng vaccine sởi và DPT đã ngừng cấp từ tháng 5-2022. Sở Y tế TPHCM đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ, chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vaccine cho thành phố trong thời gian sớm nhất.
Chương trình Tiêm chủng mở rộng bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF). |