Ngày 6-4, UBND TPHCM tổ chức Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào với chủ đề “Giải pháp xây dựng TPHCM trở thành đô thị sáng tạo, trung tâm tài chính khu vực”.
Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng dự có 44 đại biểu là chuyên gia trí thức, doanh nhân kiều bào đến từ 12 quốc gia.
Kết nối 3 "chân vạc"
Buổi gặp gỡ được tổ chức trong bối cảnh TPHCM đang quyết tâm xây dựng TP trở thành hạt nhân của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Đặc biệt, khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM được xem là một giải pháp quan trọng trong tiến trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, đang được TP huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước triển khai thực hiện.
GS-TS Đặng Lương Mô thẳng thắn đánh giá TPHCM có chương trình nhưng vẫn chưa nhìn ra đội ngũ chuyên nghiệp nào sẽ đảm nhiệm công tác xây dựng đô thị thông minh.
Trong chiến lược phát triển đô thị của TPHCM, TSKH-Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn (kiều bào Mỹ) chỉ ra một số vấn đề cần giải quyết như làm sao tổ chức thành đô thị thông minh, lấy tiền ở đâu để làm và cách thu hút được người dân đến ở.
Theo Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, TPHCM đang đi đúng hướng trong việc xây dựng đô thị thông minh, nhưng vấn đề là cần có sự kết nối - kết nối vùng, kết nối các dự án, kết nối hạ tầng - với nhau, để tạo ra tiện ích lớn nhất, cùng khai thác tốt tiềm năng, cùng phát triển.
“Cả 3 khu này đều là đô thị thông minh, có mức độ ứng dụng khác nhau, kết hợp cùng đem lại hiệu quả lớn nhất. Mỗi khu vực, mỗi cộng đồng có yêu cầu khác nhau về hạ tầng, nếu TP đáp ứng được thì sẽ thu hút được người về ở. Khi có người đến ở, thì câu chuyện về nguồn tiền để xây dựng đô thị thông minh là không khó”, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn chia sẻ.
Thương mại hóa công trình nghiên cứu để đô thị thông minh hóa
Xác định không thể thiếu năng lượng sáng tạo khi xây dựng đô thị sáng tạo, GS Trần Hải Linh (kiều bào Hàn Quốc) đề nghị TPHCM có các nhóm nghiên cứu mạnh mẽ. Công trình nghiên cứu phải được thương mại hóa tạo ra sản phẩm giá trị cao, ứng dụng trong cuộc sống, tạo công ăn việc làm và xây dựng đô thị thông minh.
GS-TS Nguyễn Minh Nghị đề nghị: “TP đưa ra mục tiêu dự án mà quản lý không tốt, không làm nên thân, thì có hay đến mấy cũng thất bại. Khi triển khai các dự án, TPHCM nên quản lý cho tốt, tránh những chuyện không hay”.
Ông Danny Võ Thành Đăng (kiều bào Singapore) góp ý về xây dựng và phát triển thương hiệu đô thị sáng tạo. Ông Đăng đề nghị TPHCM phải “thoát” khỏi hình ảnh chạy theo các TP khác như Bangkok, Singapore, mà tạo giá trị riêng cho mình, bằng 3 giá trị cốt lõi theo 3 chữ T: thân thiện, tử tế và tích cực. Người TPHCM thân thiện đón nhận, nở nhiều nụ cười hơn với người xung quanh; luôn tử tế, giúp đỡ, hỗ trợ nhau, tương thân tương ái; suy nghĩ, sống, chia sẻ tích cực.
“Chúng ta nên chủ động đề xuất, đưa ra giải pháp thay vì chê nhau, chỉ trích nhau… Đó là tư duy tích cực. Trong xây dựng đô thị sáng tạo, TPHCM chưa có sự kết nối với các đô thị sáng tạo trên thế giới, thay vì chùn bước, tại sao TPHCM không tiên phong tạo ra những kết nối với các TP sáng tạo trên thế giới”, ông Đăng nhấn mạnh.
Phát biểu chia sẻ với kiều bào, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM hoan nghênh sự góp mặt của 44 kiều bào, đại diện cho 4,5 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc ở các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trả lời câu hỏi của nhiều người về việc TP có 10 triệu dân, muốn phát huy sáng tạo thì ai đi tiên phong, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay, TP đã chọn ra khu vực phía Đông gồm quận 2, 9, Thủ Đức để xây dựng đô thị sáng tạo, từ đó lan tỏa ra 10 triệu dân của TP.
Đặc biệt, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân chỉ rõ, từ năm 2020 trở đi, TP cần có các ngành đạt trình độ quốc tế, đầu tiên là giáo dục đào tạo. Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho hay, Đại học Quốc gia TPHCM đang liên kết, đào tạo nhân lực (ngành du lịch, y tế…) đạt trình độ quốc tế.
Về băn khoăn của nhiều người rằng “người ở đâu làm khu đô thị sáng tạo”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ, TPHCM chú trọng liên kết, hợp tác quốc tế để thực hiện. “Bây giờ đóng cửa là… thua. Đợi họ (đối tác nước ngoài – PV) đến cũng không được, mà TPHCM phải chủ động cùng liên kết, cùng làm”. Chẳng hạn, lĩnh vực du lịch, TPHCM đã có dự án hợp tác với đối tác ở Italia về du lịch thông minh: du khách đến TPHCM có thể chụp ảnh bất cứ tòa nhà nào, thì các thông số cụ thể về tòa nhà đó tự động hiện lên, phục vụ du khách; các thông tin khác cũng vậy, du khách cần tìm kiếm gì là có ngay, TP tương tác tốt hơn với du khách.
Trong xây dựng trung tâm tài chính, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho hay, kinh tế TPHCM chiếm 24% cả nước, kiều hối chiếm gần 50% và huy động vốn cho vay cũng lớn nhất cả nước, song như vậy vẫn chưa thực sự đúng tầm, vì thế TPHCM sẽ thúc đẩy nhanh hơn cơ chế xây dựng trung tâm tài chính.
Ông Peter Hồng (kiều bào Australia): Chỉ cần TP có chính sách đàng hoàng, chúng tôi sẽ cùng làm Việc xây dựng trung tâm tài chính, tôi đã nghe từ… 15 năm trước và vẫn nằm trên giấy. Chúng ta nói nhiều về cơ chế, trong tất cả câu chuyện đều đề cập đến những vướng mắc của cơ chế. 18 năm trước, tôi cùng làm Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam), khi đó cũng vướng, chưa có một cơ chế chính thức chuẩn bị cho Khu Kinh tế mở này. Bây giờ, cơ chế nào để làm trung tâm tài chính? Chúng ta nói nhiều, nhưng nhìn lại các quốc gia trong khu vực, chúng ta đang đứng ở đâu; chính sách thuế khóa mở tới đâu; xây dựng trung tâm tài chính thì mời đơn vị nào về; đào tạo con người về tài chính, ngân hàng ra sao? Mặt khác, quan sát dòng tiền, hiện nay dòng tiền của các nhà đầu tư đang chảy đi đâu? Nước chảy chỗ trũng, TPHCM chưa tạo được “chỗ trũng” thì “nước” (tiền – PV), chưa chảy tới. Các nhà đầu tư đang chạy đi đâu, TPHCM có hấp dẫn được họ hay không? Đây đều là những câu chuyện lớn cần phải làm. Chúng tôi là kiều bào, ăn chén cơm, uống bát nước của TPHCM và mong muốn làm điều tốt đẹp hơn cho TP, nhưng thấy vẫn còn nhiều chuyện khó khăn, trở ngại. TPHCM đang có tầm nhìn lớn, tương lai trong tương lai, anh em kiều bào có rất nhiều người có kiến thức, trình độ đủ hợp tác với TPHCM. Chỉ cần TPHCM phát pháo, đưa yêu cầu cụ thể, có chính sách đàng hoàng thì anh em chúng tôi cùng về, cùng làm với TPHCM. |
Ông Phùng Công Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM: 42 đề án, kiến nghị của kiều bào tại VK16 đang được triển khai Sau hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần 3 năm 2016 (VK16), có 45 đề án, kiến nghị của kiều bào và sau đó, các sở, ngành của TPHCM đã trao đổi với 42 trường hợp, bàn cách thực hiện các ý tưởng, đề án. Các nội dung hiến kế của kiều bào tập trung về phát triển bền vững TPHCM, phát triển nguồn nhân lực, phát triển khoa học công nghệ - kinh tế tri thức; phát triển thương mại – dịch vụ của TPHCM đều đã và đang được các sở, ngành, viện, trường và Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM phối hợp tích cực, nghiêm túc triển khai. Về tổng quan, các hiến kế, đề án của doanh nhân, trí thức kiều bào chủ yếu là ý tưởng, thể hiện tâm huyết, tình cảm hướng về đất nước, về TPHCM và mong muốn được chung sức xây dựng TPHCM phát triển nhanh, hội nhập quốc tế. Mặt khác, do kiều bào đang công tác, làm việc và sinh sống ở nước ngoài là chủ yếu nên cần có thêm thời gian, sự kết nối và hướng dẫn cụ thể từ các sở, ngành chức năng mới có thể chuyển tải những hiến kế của kiều bào trở thành đề án khả thi, phù hợp với thực tế của TPHCM. Tôi đề nghị lãnh đạo TPHCM chỉ đạo các đơn vị tiếp tục chủ động liên hệ, phối hợp, trao đổi làm việc, tiếp xúc với kiều bào để hiện thực hóa các hiến kế; xem xét hỗ trợ kinh phí ăn ở, đi lại cho kiều bào đối với những đề án, kiến nghị có tính khả thi và được TPHCM áp dụng, triển khai. |