Sáng 11-10, khoảng 500 đại biểu trong nước và quốc tế đã tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TPHCM 2017 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức tại Khách sạn Rex. Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đả chủ trì hội nghị.
Tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm hàng dịch vụ
Với chủ đề “Cùng xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình”, hội nghị mời gọi các nhà đầu tư vào 116 dự án xã hội hóa, 11 dự án quốc gia, 6 dự án thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Trong 116 dự án xã hội hóa có 64 dự án hạ tầng giao thông, 5 dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, 7 dự án giảm ngập nước, 3 dự án nông nghiệp, 1 dự án công nghiệp, 4 dự án thương mại dịch vụ, 21 dự án chỉnh trang đô thị và xây dựng nhà ở tái định cư, 6 dự án giáo dục, 1 dự án y tế, 4 dự án văn hóa thể thao.
Trong 11 dự án quốc gia có 9 dự án hạ tầng giao thông, 1 dự án giáo dục đào tạo, 1 dự án y tế.
Riêng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có 6 dự án gồm: 1 dự án khách sạn nghỉ dưỡng đô thị, 4 dự án xây dựng trường học tiêu chuẩn quốc tế, 1 dự án xây dựng nhà hát nghệ thuật tổng hợp.
Quan điểm phát triển nêu trên được cụ thể hóa thành mục tiêu xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, có vai trò động lực trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, sớm trở thành một trong những trung tâm lớn vế kinh tế, tài chính, thương mại và khoa học công nghệ của khu vực Đông Nam Á.
Nhiều chỉ tiêu được đề ra như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt từ 8,5%/năm; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, tỷ trọng ngành dịch vụ trong GRDP đến năm 2020 chiếm 56 - 58%; tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp (TFP) vào GDRP bình quân hàng năm từ 35% trở lên; tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 30% GRDP. Đến năm 2020, GRDP bình quân đầu người đạt 9.800 USD/người/năm.
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, TPHCM tập trung kêu gọi đầu tư vào 9 nhóm ngành dịch vụ là: Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; Du lịch; Vận tải, cảng và kho bãi; Bưu chính, viễn thông, thông tin và truyền thông; Kinh doanh tài sản bất động sản; Tư vấn; Khoa học công nghệ; Y tế; Giáo dục và đào tạo và 4 ngành công nghiệp trọng yếu là: Cơ khí; Điện tử – công nghệ thông tin; Hóa chất – nhựa - cao su; Chế biến tinh lương thực thực phẩm.
Bên cạnh đó, TP chuyển dịch cơ cấu kinh tế lĩnh vực nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. TP cũng quyết tâm triển khai 7 chương trình đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần X đề ra, bao gồm: Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng; Chương trình nâng cao chất lượng cạnh tranh của kinh tế TP trong thời kỳ hội nhập; Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.
Các chương trình ưu tiên chiến lược của TPHCM
Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TP, mục tiêu phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hóa và bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của khu vực phía Nam và cả nước, từng bước trở thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ, khoa học công nghệ của khu vực và Đông Nam Á, TPHCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung - đa cực, theo hướng đa tâm với trung tâm tổng hợp tại khu vực nội thành cũ và các trung tâm cấp thành phố tại 4 hướng phát triển (hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển; hai hướng phụ là hướngTây - Bắc và hướng Tây, Tây – Nam).
TP định hướng di dời các xí nghiệp công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi nội thành cũ, tập trung phát triển các ngành công nghiệp sạch, hiện đại, có hàm lượng khoa học cao, không gây ô nhiễm môi trường.
Về chương trình ưu tiên chiến lược của TPHCM, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã nêu cụ thể, gồm:
* Định hướng các khu đô thị mới ưu tiên đầu tư gồm: Khu công nghệ cao tại quận 9; khu đô thị mới thủ Thiêm quận 2 (737 ha); khu đô thị mới nam TPHCM; khu đô thị mới Nam Thanh Đa; khu đô thị Tây bắc thành phố (6.000 ha); khu đô thị cảng Hiệp Phước –huyện Nhà Bè (3.900 ha, trong đó diện tích sông rạch khoảng 1.000 ha); khu trung tâm hiện hữu mở rộng (930 ha).
* Chương trình chống ngập và vệ sinh môi trường có: dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc – Thị Nghè; dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé – Kênh Đôi – Kênh Tẻ; dự án cải thiện môi trường thành phố - Tiểu dự án rạch Hàng Bàng; dự án nâng cấp đô thị lưu vực Tân Hóa – Lò Gốm.
* Các chương trình bảo tồn có một số dự án: khu vực bảo tồn kiến trúc cổ trên địa bàn quận 1 và quận 3 (gồm: Bưu điện Thành phố, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, trụ sở UBND TP, Bảo tàng TPHCM, Bệnh viện Mắt); dự án Rừng ngập mặn Cần Giờ.
* Các chương trình nhà ở xã hội gồm: khu chung cư Đông Hưng quận 12; khu chung cư 99 Bến Bình Đông; khu chung cư Bàu Cát – Tân Bình; khu chung cư Tân Mỹ – Tân Bình; ký túc xá Đại học Bách Khoa; ký túc xá Đại học Quốc gia; khu lưu trú công nhân và nhà ở thu nhập thấp Tân Nhựt – Bình Chánh; nhà ở công nhân Công ty Giày Huê Phong.
Trong định hướng phát triển hệ thống giao thông, thành phố chú trọng các trục vành đai và hướng tâm, đường trên cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia, đường thủy, hàng không.
Tổng quan hệ thống đường sắt đô thị TPHCM gồm 8 tuyến metro và 3 tuyến xe điện mặt đất (tramway) hoặc đường sắt 1 ray (monorail), tổng chiều dài 219,25km. Theo Ban quản lý Đường sắt Đô thị, mục tiêu của TP là đến năm 2020 hoàn thành tuyến metro số 1, năm 2024 hoàn thành tuyến metro số 2 giai đoạn 1 và tuyến metro số 5 giai đoạn 1.
Tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư vào TPHCM 2017, các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN – KCX) cũng mời gọi các DN trong nước và nước ngoài.
Đại diện Công ty cổ phần Phát triển Đô thị Sài Gòn Tây Bắc mời gọi các nhà đầu tư vào KCN Tân Phú Trung với các phương thức thuê đất xây dựng nhà xưởng hoặc thuê nhà xưởng, văn phòng xây sẵn, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư đối với các ngành: điện - điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí, thiết bị y tế, hóa dược, lương thực thực phẩm, các ngành nghề khác không gây ô nhiễm môi trường.
KCN Tân Phú Trung có hạ tầng đồng bộ, lưới điện và trạm biến áp riêng, nhà máy cấp nước riêng, công suất lớn, 2 nhà máy xử lý nước thải công suất lớn, giao thông nội bộ đúng chuẩn, khu dân cư 48 ha gồm ký túc xá cho công nhân và căn hộ cho chuyên gia, nhiều tiện ích như y tế, ngân hàng, trung tâm thương mại, siêu thị...
KCX Tân Thuận với vị trí gần trung tâm, cách sân bay Tân Sơn Nhất chỉ 13 km, sát cạnh cảng containter quốc tế Việt Nam (VICT), dễ dàng tiếp cận các cảng lớn khác tại TPHCM, có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, cũng mời gọi nhà đầu tư. KCX có các hình thức cho thuê đất (đất khu công nghiệp, đất khu văn phòng và công nghệ cao E-Office Park); cho thuê nhà xưởng cao tầng (nhà xưởng mới nhất sẽ được khánh thành cuối tháng 12 năm 2017 gồm 8 tầng lầu và 1 tầng hầm, diện tích cho thuê linh động từ 700m2, được quản lý bởi công ty quốc tế); cho thuê văn phòng Khu Vườn ươm DN (hai tòa nhà 5 tầng với diện tích cho thuê từ 70m2 tới 1000m2 một sàn, cảnh quan đẹp, môi trường làm việc ổn định, được quản lý bởi công ty quốc tế). Ngoài ra, KCX Tân Thuận còn có Trung tâm dịch vụ kho bãi và hậu cần cung cấp các dịch vụ chất lượng cao từ khai báo hải quan, vận chuyển hàng hóa, đóng dỡ tới tất cả các dịch vụ liên quan tới kho bãi.
Theo kế hoạch, ngay sau hội nghị, ITPC phối hợp cùng các đơn vị đã tổ chức cho các DN trong nước và nước ngoài đi khảo sát thực tế các dự án đang mời gọi đầu tư, gồm: Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM, tuyến Bến Thành – Suối Tiên; Dự án Đường trung tâm và khu công viên chuyên đề - Khu đô thị Tây Bắc; KCN Hiệp Phước.
Theo số liệu của UBND TPHCM, TPHCM hiện đóng góp 21% tổng sản phẩm quốc nội, 1/3 ngân sách quốc gia, 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, 1/2 số khách du lịch quốc tế và 30% tổng số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Kinh tế thành phố duy trì tăng trưởng khá cao giai đoạn 2011-2015, tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân đạt 9,6 %/năm gấp 1,66 lần bình quân cả nước.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm (2011-2015) đạt 1,19 triệu tỷ đồng, tương đương 52,3 tỷ USD, gấp 2 lần giai đoạn 2006-2010. Cơ cấu kinh tế chuyển hướng tích cực và đúng hướng, khu vực dịch vụ có giá trị tăng thêm chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu GRDP. Năm 2016, trong cơ cấu GRDP, lĩnh vực dịch vụ chiếm 54,8%, công nghiệp và xây dựng chiếm 28,8%, nông nghiệp chiếm 0,8%.
Công tác thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) đạt kết quả tích cực, trong giai đoạn 2011-2015 có 2.404 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư đạt 10,36 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm 2017, giá trị vốn đầu tư nước ngoài tính chung cấp mới và vốn đầu tư tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp đạt 3,29 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của DN thành phố năm 2016 đạt 31,8 tỷ USD, bình quân giai đoạn 2010-2016 kim ngạch xuất khẩu tăng 6%/năm, kim ngạch nhập khẩu là 9%/năm.
Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư, cải tạo và nâng cấp ngày càng đồng bộ, phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế. Năng suất lao động của thành phố cao nhất cả nước, giai đoạn 2010-2016 cao gấp 2,7 lần năng suất lao động bình quân chung cả nước. Thành phố tập trung nguồn lực cho dân sinh, từng bước hình thành đô thị văn minh, hiện thực hóa tầm nhìn “Thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh hiện đại, nghĩa tình”.