Phát triển giáo dục cả về lượng và chất
Theo đó, giai đoạn 2007-2022, thành phố đã phát huy tốt vai trò nòng cốt của hội khuyến học các cấp trong việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thúc đẩy xã hội cùng tham gia công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, đồng thời huy động các nguồn lực trong nhân dân và doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho giáo dục, phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập đến từng gia đình, dòng họ, địa bàn dân cư, cơ quan, trường học.
Đặc biệt, hai năm trở lại đây, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vẫn diễn ra đều khắp, thể hiện sự năng động, nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ từ thành phố đến các cơ sở.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, quy mô ngành giáo dục và đào tạo phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng, góp phần nâng cao dân trí, năng lực làm việc cho cán bộ, viên chức, người lao động, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ thể, mạng lưới trường lớp ở các cấp học, bậc học đã được phủ khắp các quận, huyện và TP Thủ Đức với 2.355 trường học từ mầm non đến THPT, 1.791 cơ sở giáo dục thường xuyên, 310 trung tâm học tập cộng đồng.
Song song đó, tính đến cuối năm 2020, công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục đạt tỷ lệ 99,86% người trong độ tuổi từ 15-60 tuổi; 100% quận, huyện củng cố vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục bậc trung học.
Trong đó, ở bậc mầm non, đến năm 2020, có 319/319 phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đạt tỷ lệ 100%.
Đối với tiểu học, thành phố có 319/319 phường, xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 với 100% trẻ em 6 tuổi ra lớp và 98,45% trẻ em hoàn thành chương trình tiểu học.
Riêng đối với bậc THCS, tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS năm 2020 đạt 99,61%.
Mở rộng mạng lưới khuyến học, khuyến tài
Hiện nay, mạng lưới cơ sở đối với hoạt động khuyến học, khuyến tài được phát triển đều khắp ở 100% phường, xã, thị trấn. Thành ủy, UBND TPHCM thường xuyên chỉ đạo Hội Khuyến học TPHCM tập trung phát triển mạng lưới hội khuyến học bằng nhiều hình thức, giải pháp hiệu quả.
TPHCM đã tổ chức thí điểm phát triển tổ chức hội khuyến học tại 3 trường gồm Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Nguyễn Tất Thành và Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật TPHCM.
Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”. Cụ thể, 21 quận, huyện và TP Thủ Đức đã triển khai bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập một cách đồng bộ.
Qua thống kê, toàn thành phố hiện có hơn 1,2 triệu gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập, 840 dòng họ đạt danh hiệu dòng họ học tập , 2.063 đơn vị học tập và 1.897 cộng đồng học tập.
Đặc biệt, TPHCM đã triển khai Thông tư số 44/2014/TT-BGDĐT (ngày 12-12-2014) của Bộ GD-ĐT rộng khắp trên toàn thành phố, trong đó tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của hội khuyến học.
Tính đến nay, có 310 trung tâm học tập cộng đồng đưa vào hoạt động, trong đó 95 trung tâm có trụ sở riêng.
Theo bà Lê Minh Ngọc, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học TPHCM, sau 10 năm thực hiện, chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” là một trong những mô hình xây dựng quỹ khuyến học căn cơ, ổn định và mang lại hiệu quả lâu dài.
Giai đoạn 2015-2020, tổng số tiền đã được trao tặng qua các chương trình học bổng, khen thưởng và hỗ trợ học sinh, sinh viên toàn thành phố gần 307 tỷ đồng.
Trong đó, học bổng khuyến tài (còn gọi học bổng 1 & 1) đã trở thành nét đặc trưng riêng về chương trình học bổng của Hội khuyến học thành phố với hơn 32.000 học sinh, sinh viên đã được trao tặng học bổng trong 20 năm qua.
Nhìn chung, qua 15 năm triển khai thực hiện, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập có nhiều chuyển biến tích cực, tạo nên thay đổi sâu sắc trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh của thành phố.
Các mục tiêu đến năm 2020 theo Quyết định số 5506/QĐ-UBND cơ bản đạt và vượt yêu cầu đề ra. Đặc biệt, các mục tiêu xây dựng mô hình “Dòng họ học tập”, “Đơn vị học tập”, “Cộng đồng học tập” có sự phát triển rõ nét với tỷ lệ đạt được khá cao.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong toàn hệ thống chính trị về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, áp dụng đồng thời các giải pháp như đẩy mạnh đầu tư cho ngành giáo dục; quan tâm củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập…