Ngày 17-7, Giám đốc Sở Công thương TPHCM Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, để giải quyết điểm nghẽn trong cung ứng hàng hóa liên tục cho người dân thành phố, Sở Công thương tổ chức Chương trình doanh nghiệp đồng hành cùng người dân thành phố, mời gọi doanh nghiệp nhiều lĩnh vực khác nhau cùng tham gia kết nối, hình thành chuỗi cung ứng bổ trợ, góp phần thực hiện giải pháp phân phối hàng hóa thực phẩm thiết yếu bình ổn đến người tiêu dùng.
Chương trình đã kích hoạt những doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác nhau ghép nối, bổ trợ trong các khâu thu mua, vận chuyển, lưu trữ và phân phối. Với chuỗi cung ứng này, người dân thành phố sẽ được tiếp cận các kênh phân phối bình ổn với quy mô hơn 1.000 điểm bán bổ sung, trong đó có 1.000 điểm bán của Vinshop, 150 điểm bán của hệ thống Con Cưng, 67 điểm bán của Công ty Guardian Việt Nam, 300 điểm bán của Pharmacity, 36 điểm bán của Công ty Đầu tư Thương mại Phát triển Nhất Tín.
Các hệ thống bưu cục, phương tiện vận chuyển, nhân lực của các công ty bưu chính trên địa bàn cũng được linh động phát huy để cùng tham gia hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, nhu yếu phẩm với Viettel Post, Vietnam Post, Công ty giao hàng nhanh GHN, Công ty giao hàng tiết kiệm GHTK, Công ty Supership Việt Nam, Proship, Koina, Công ty vận chuyển Nhất Tín, Công ty kho lạnh ABA, Công ty giải pháp chuỗi cung ứng One Mount.
Bên cạnh đó, Sở Công thương đã phối hợp với các trang thương mại điện tử lớn như Tiki, Shopee, Lazada... đẩy mạnh bán hàng rau củ quả trên các nền tảng này, giúp người dân thành phố tiếp cận được nhiều hơn kênh cung ứng, phân phối lương thực thực phẩm.
Trước đó, tính đến ngày 15-7, 225 điểm bán hàng lưu động đã được Sở Công thương phối hợp các hệ thống phân phối, doanh nghiệp thương mại, logistics tổ chức trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Sở Công thương TPHCM cũng vừa có văn bản gửi UBND huyện Hóc Môn, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn về việc bố trí địa điểm và chuẩn bị tổ chức điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Hóc Môn.
Hiện Ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đang triển khai các bước chuẩn bị: Làm việc với các thương nhân, tổ chức xét nghiệm nhanh Covid-19 cho người làm việc tại địa điểm này để có thể đưa điểm trung chuyển tại chợ này đi vào hoạt động trong tối 18-7. Dự kiến, trong những ngày đầu hoạt động thí điểm sẽ có khoảng 120 tấn hàng hóa về trạm trung chuyển.
Trước đó, ngày 12-7, điểm trung chuyển hàng hóa đầu tiên của TPHCM tại chợ đầu mối Thủ Đức đã đi vào hoạt động với sự tham gia đăng ký của 18 thương nhân. Ngoài 2 điểm trung chuyển này, TPHCM cũng đang triển khai đưa vào hoạt động trở lại các chợ truyền thống đang tạm ngưng kinh doanh. Trước mắt, thành phố thí điểm cho phép mở cửa đối với ngành hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt, cá để cung cấp thực phẩm hàng ngày cho người dân.
* Chiều 17-7, Bộ GTVT có cuộc họp giao ban về công tác vận tải với các tỉnh phía Nam. Theo đó, hiện tất cả các sở GTVT đã triển khai “luồng xanh” trên địa bàn nội tỉnh, kết nối với “luồng xanh” quốc gia đã công bố.
Để đảm bảo cho các phương tiện được lưu thông thuận lợi, hạn chế ùn tắc trên tất cả các tuyến, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh việc cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên cho các doanh nghiệp vận tải đăng ký.
Trong ngày 17-7, đã có 1.052 xe được cấp giấy nhận diện, tổng cộng đến nay có 33.752 xe của 62 đơn vị.
Cũng trong ngày, Bộ GTVT đã thành lập Ban Chỉ đạo điều phối giao thông do Thứ trưởng Lê Đình Thọ làm trưởng ban. Ban chỉ đạo này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đảm bảo vận tải hàng hóa được thông suốt trên phạm vi cả nước, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với nhiều tỉnh thành phía Nam từ ngày 19-7.
Cũng trong ngày 17-7, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã công bố 19 vị trí chốt kiểm soát, bảo đảm an toàn phòng dịch trên các tuyến quốc lộ trong “luồng xanh” quốc gia. 19 chốt kiểm soát nằm trên địa bàn 8 tỉnh, thành phố gồm: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, Lâm Đồng.