TPHCM: Mô hình “một cửa liên thông” thay thế Tổ nghiệp vụ hành chính công

Minh Ngọc
TPHCM: Mô hình “một cửa liên thông” thay thế Tổ nghiệp vụ hành chính công

Vừa qua, Sở Nội vụ đã kiến nghị chính quyền TPHCM  bãi bỏ mô hình Tổ nghiệp vụ hành chính công (NVHCC). Vì sao lại bãi bỏ mô hình này và những hồ sơ mà người dân đã nộp tại Tổ NVHCC được xử lý ra sao? Sắp tới TPHCM sẽ thực hiện mô hình nào?… Để giải đáp những thắc mắc của bạn đọc, chúng tôi đã trao đổi với ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM xung quanh vấn đề này…

- PV: Thưa ông, Sở Nội vụ TPHCM có kiến nghị UBND TPHCM bãi bỏ mô hình Tổ NVHCC. Nếu  được chấp thuận TP sẽ thay thế bằng mô hình  nào?

TPHCM: Mô hình “một cửa liên thông” thay thế Tổ nghiệp vụ hành chính công ảnh 1

CBCC quận Tân Phú đang tiếp nhận hồ sơ của dân. Ảnh: M.N

Ông Châu Minh Tỷ: Từ năm 2004, TPHCM  đã chọn 4 quận: 3, 11, Tân Bình, Bình Thạnh để thực hiện thí điểm mô hình Tổ NVHCC. Sau 3 năm làm điểm, Tổ NVHCC đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn còn nhiều bất cập về thủ tục hành chính, bộ máy, nhân sự, sự phối hợp thiếu đồng bộ, thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, phức tạp, gây phiền hà, bức xúc cho người dân.

Sở Nội vụ đã đề nghị 4 quận, huyện trên báo cáo tình hình và lấy ý kiến các sở, ngành, qua đó đã sơ kết, đánh giá và kiến nghị TP nên bãi bỏ mô hình Tổ NVHCC để thay vào đó bằng mô hình “một cửa liên thông” nhằm phục vụ người dân ngày một tốt hơn. Riêng những hồ sơ của người dân đã nộp tại Tổ NVHCC trước đây vẫn được giải quyết bình thường.

- Mô hình “một cửa liên thông” có gì khác với Tổ NVHCC?

Với mô hình “một cửa liên thông”, người dân chỉ phải đến “một cửa” để nộp hồ sơ và đến ngày hẹn thì đến nhận hồ sơ về. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi cho dân hơn cũng như cho cả đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) tham gia xử lý hồ sơ. Vì CBCC các phòng ban có thể chủ động liên hệ, phối hợp với nhau cùng giải quyết hồ sơ cho dân. Các bộ phận và các cơ quan chức năng chủ động phối hợp mà không phải chờ đợi, phụ thuộc lẫn nhau như trước, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số  hồ sơ bị trễ hẹn.

- Sau 3 năm thí điểm mô hình Tổ NVHCC, theo ông đâu là cái được và chưa được?

Cái được của mô hình Tổ NVHCC là đã tách bạch chức năng quản lý nhà nước của các phòng, ban chuyên môn và chức năng phục vụ. Việc tách bạch này góp phần nâng cao kết quả cung ứng dịch vụ hành chính cho tổ chức, công dân, tạo điều kiện cho các phòng, ban dành thời gian tập trung làm nhiệm vụ quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do Tổ NVHCC là mô hình thí điểm nên chưa có tính pháp lý trong tổ chức bộ máy hành chính cấp quận (chỉ hoạt động trong phạm vi các quận thí điểm).

Mối quan hệ với các cơ quan thẩm quyền ngoài quận bị hạn chế, do vậy phạm vi giải quyết thủ tục hành chính cũng bị hạn chế. Tổ NVHCC của các quận thí điểm chỉ chọn những lĩnh vực với các loại công việc khác nhau dẫn đến quy trình giải quyết thiếu thống nhất; các phần mềm xử lý khác nhau, nên khó có thể nhân rộng ra nhiều quận huyện khác.

Vừa qua, Tổ NVHCC chỉ giải quyết lĩnh vực kinh tế và nhà đất, nên nếu tiếp tục mở rộng hoạt động ra các lĩnh vực khác thì phải tăng thêm nhân sự. Như vậy sẽ ảnh hưởng đến tổ chức, bộ máy và hoạt động của UBND quận, huyện. Do chỉ giải quyết hai lĩnh vực kinh tế, nhà đất nên khi người dân có nhu cầu giải quyết các hồ sơ hành chính khác, lại phải tự đi đến “nhiều cửa” của các cơ quan chức năng. Hạn chế này đã phá vỡ cơ chế “một cửa”. Đó là chưa kể do khối lượng công việc nhiều, nhưng nhân sự của Tổ NVHCC chỉ có hạn nên phải chịu áp lực công việc rất cao.

- Gần đây, mặc dù chính quyền TPHCM đã có nhiều biện pháp cải tiến thủ tục hành chính, nhưng nhiều người  dân vẫn than phiền “bị hành” khi đi làm thủ tục, giấy tờ. Ý kiến của ông  về thực trạng này?

Đúng là vẫn còn rất nhiều người dân “bị hành”, nhất là trong lĩnh vực mua bán, hợp thức hóa nhà đất, cấp phép xây dựng… Còn các lĩnh vực khác như công chứng, chứng thực, cấp phép kinh doanh, làm chứng minh nhân dân… thì đã đỡ rồi vì có Luật quy định rõ ràng, không thể cố tình gây khó cho dân. Tuy nhiên, cho đến nay, những lĩnh vực: nhà đất, cấp phép xây dựng, quy hoạch … được coi là “điểm nóng” vẫn còn gây nhiều phiền hà cho dân, một phần do chính nhân viên lợi dụng kẽ hở pháp luật để “đục nước béo cò” (những trường hợp sai phạm này nếu có đủ chứng cớ sẽ bị xử lý nghiêm).

Một nguyên nhân cơ bản nữa khiến dân bị hành là do bản thân lĩnh vực nhà đất, xây dựng bị “rối” ngay từ gốc. Cụ thể, nội dung các bộ luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở… còn chồng chéo, nhiêu khê, thiếu nhất quán, thậm chí còn tự “đá” lẫn nhau, khiến nhân viên hành chính không biết nên áp dụng luật nào!?. Ngay cả giấy chứng nhận về quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất  đến nay vẫn chưa thống nhất màu gì ,vì còn phải chờ Luật Bất động sản ra đời. Chưa hết, vấn đề “quy hoạch” đến nay vẫn chưa rõ ràng, cũng góp phần “làm khổ” cả người dân lẫn chính quyền.

Minh Ngọc

Tin cùng chuyên mục