Hơn 30 người dân đã tham dự đợt tham quan này. Đây cũng là lần đầu tiên TPHCM phát huy vai trò của cộng đồng trong việc giám sát hoạt động xử lý chất thải của các doanh nghiệp.
Đại diện phía người dân, bà Trịnh Thị Đò (ngụ số 747 quốc lộ 1A, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân) cho biết đã sinh sống tại khu vực lân cận công trường xử lý rác Gò Cát hơn 70 năm.
Trước đây, khi khu vực này mới tiếp nhận rác thải thì gây ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Nhiều ruộng lúa của người dân gần như không thể canh tác được.
Người dân xem hệ thống chuyển hóa rác thành khí chạy máy phát điện tại bãi rác Gò Cát. Ảnh: CAO THĂNG
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tình trạng trên đã được khắc phục. Bãi chôn lấp rác cũng không còn phát sinh mùi hôi. Chủ trương của thành phố về việc tổ chức công khai hoạt động đầu tư xử lý rác thải cho người dân giám sát là rất đúng đắn và cần thiết.
Người dân phải có quyền được biết môi trường sống của mình có bị ảnh hưởng bởi những dự án xử lý chất thải hay không. Tại buổi tham quan, người dân cũng được tìm hiểu thực tế quy trình xử lý rác thải thành năng lượng xanh, thân thiện với môi trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, việc tổ chức cho người dân tham quan và công khai giám sát quy trình xử lý rác thải tại Gò Cát nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TP.
Theo đó, các chủ đầu tư xử lý rác thải phải công khai hoạt động đầu tư xử lý rác thải để người dân, đặc biệt dân cư sống khu vực lân cận biết, giám sát và kiểm tra.
Trước đó, công ty đã phối hợp với xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn) thành lập đội giám sát nhân dân để thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động xử lý chất thải tại công trường Đông Thạnh.
Trong thời gian tới, công ty sẽ phối hợp với UBND huyện Củ Chi công khai hoạt động xử lý rác thải tại xã Phước Hiệp, để người dân kiểm tra giám sát.